Thứ ba, 09/04/2024, 09:43 AM

Đổi mới sáng tạo - yếu tố quyết định đến năng suất lao động của doanh nghiệp

(CL&CS) - Đổi mới sáng tạo được coi là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng năng suất một cách toàn diện và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tiến trình phát triển kinh tế, xã hội, năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là vấn đề cốt lõi với kinh tế Việt Nam hiện nay, là con đường ngắn nhất để đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 đã khẳng định tăng năng suất lao động là vấn đề cấp bách, không thể chậm trễ, bởi tăng năng suất lao động, đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa mang lại lợi ích trực tiếp, thiết thực cho tất cả các chủ thể trong nền kinh tế. 

Năng suất lao động được cải thiện

Báo cáo về năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 cho thấy đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021.

Tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong 10 năm (2011-2020) đạt 6%; trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5%, từ năm 2016 đến năm 2019 đều đạt trên 6%, riêng năm 2019 đạt tốc độ tăng cao nhất 6,62%. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tốc độ tăng chậm lại nhưng vẫn đạt gần 5%. Bình quân mỗi năm giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam đạt 6,05% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5%).

Tuy vậy, những điểm sáng đó chưa đủ để nâng NSLĐ Việt Nam sánh bằng các nước trong khu vực. Gần đây, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đưa ra báo cáo nghiên cứu tổng thể về thực trạng phát triển nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam từ tháng 9/2021 đến tháng 5/2022. Báo cáo đánh giá, NSLĐ của Việt Nam mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực. Cũng có những nhận định, Việt Nam có xu hướng gia tăng sự chênh lệch nội địa: Khu vực nông - lâm - thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc độ tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. Khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.

Đổi mới sáng tạo: Yếu tố quyết định đến năng suất lao động của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Đổi mới sáng tạo: Yếu tố quyết định đến năng suất lao động của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút hoàn thiện cũng đặt ra một số chỉ tiêu dự kiến: Tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5-7%/năm từ nay đến năm 2030; tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước. Phấn đấu nằm trong nhóm đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030 và năng lực đổi mới sáng tạo của WIPO thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Thúc đẩy kinh tế số, liên kết vùng sẽ là những giải pháp có tính đột phá

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt giữa các nền kinh tế, chỉ có nâng cao năng suất lao động mới có thể đứng vững, đưa kinh tế nước ta phát triển nhanh và bền vững.

Đối với Việt Nam, để từng bước rút ngắn khoảng cách về mức năng suất lao động với các nước trong khu vực và trên thế giới, ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng các giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp cận, ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy kinh tế số, thúc đẩy liên kết vùng sẽ là những giải pháp có tính đột phá.

Việt Nam cần có những cải cách thể chế, chính sách giúp khơi thông việc ứng dụng công nghệ tiên tiến. Thúc đẩy nâng cao năng suất của các doanh nghiệp nhà nước có vốn lớn. Tạo nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu và phát triển; Kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, ông Lâm cũng phân tích giải pháp nhìn từ góc độ con người. Theo đó, ông Lâm phân tích: Chất lượng nguồn nhân lực sẽ trở thành nền tảng của tất cả các giải pháp thúc đẩy năng suất ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Bài toán nguồn nhân lực được xem xét giải quyết cả 2 phương diện: đào tạo, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Các giải pháp sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tiễn và tăng cường các nội dung đào tạo cải tiến năng suất. Cải thiện cơ chế lương và các chính sách khuyến khích lao động sáng tạo.

Hiện nay, cơ cấu thể chế và quản lý đổi mới sáng tạo tại Việt Nam bị phân tán với nhiều bên tham gia và hạn chế về điều phối. Do đó, cần tập trung, giải quyết các vấn đề của quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm đạt hiệu quả trong việc thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Lâm đề xuất.

Trong những năm gần đây, doanh nghiệp ngày càng được coi là động cơ tăng trưởng cho cả nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Doanh nghiệp còn có vị trí đặc biệt được đặt trong mối quan hệ tổng hòa với các thành tố của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung. Chính vì vậy, việc tạo ra các hoạt động thúc đẩy và môi trường thể chế thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành một trong những yếu tố tiên quyết để phát triển quốc gia.

Để thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần thống nhất quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; có sự phân công, phân cấp, phối hợp giữa các ngành, các cấp trung ương và địa phương trong bối cảnh mới nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia... Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành cơ chế, quy chế phối hợp giữa cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo là Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành, địa phương để tạo sự thống nhất, hiệu quả, xuyên suốt trong quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hình thành và phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Các nước có nền kinh tế tiên tiến ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia…) đã thành công trọng việc xây dựng và triển khai lược phát triển năng suất quốc gia theo từng giai đoạn phát triển. Cơ quan năng suất quốc gia được đặt đúng với tầm quan trọng của nó để thực thi chiến lược và xây dựng và triển khai các chính sách quan trọng và mạnh mẽ để phát triển năng suất. Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế cộng đồng tham gia một cách tích cực vào các chương trình năng suất quốc gia.

"Đây cũng là những kinh nghiệm, là bài học mà Việt Nam có thể tham khảo để thúc đẩy tăng suất lao động một cách ấn tượng hơn trong thời gian tới, ông Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Trúc Anh

Bình luận

Nổi bật

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

Ứng dụng IoT trong sản xuất giúp nâng cao chất lượng và tăng năng suất

sự kiện🞄Thứ bảy, 27/04/2024, 15:25

(CL&CS)- Chiều ngày 26/4, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông tổ chức triển lãm các thành tựu sau 4 năm chuyển đổi số (2020 - 2024) và Workshop: Từ nhà máy thông minh đến ngôi nhà thông minh tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

Bắc Ninh: 'Dưa gang muối Quế Võ' được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS)- Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với UBND thị xã Quế Võ tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

Kỹ thuật hạt nhân phát triển vật liệu tiên tiến

sự kiện🞄Thứ tư, 24/04/2024, 14:54

(CL&CS) - Từ đóng gói thực phẩm năng động dựa trên vật liệu nanocompozit chứa tinh dầu, đến polyme siêu hấp thụ ghép mạch bức xạ, vật liệu tiên tiến được xử lý bằng bức xạ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lãng phí thực phẩm, nâng cao hiệu suất nông nghiệp, cải thiện chăm sóc sức khỏe và hơn thế nữa.