Phát triển cộng đồng địa phương bền vững
Hiện nay, một trong những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm đó là nhu cầu xây dựng và duy trì lòng tin của khách hàng/công dân vào chính quyền, thể chế của chính quyền. Để đáp ứng thách thức này, chính quyền địa phương có nhiệm vụ tạo khả năng phát triển một cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội.
Việc đạt được và duy trì mức chất lượng cao trong cách chính quyền địa phương hoạt động có thể mang lại sự thịnh vượng kinh tế và phát triển xã hội bền vững ở cấp địa phương, đồng thời công dân mong đợi chính quyền địa phương cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công chất lượng cao, ví dụ như sự an toàn và an ninh, đường phố, giao thông công cộng được duy trì trong tình trạng tốt, việc xử lý giấy tờ hiệu quả, sự minh bạch và khả năng tiếp cận các thông tin chung, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và cơ sở hạ tầng,... Công dân mong muốn chính quyền địa phương đại diện cho mình và bảo vệ hoặc nâng cao đời sống của họ.
Để đạt được các yêu cầu nêu trên, chính quyền địa phương cần xây dựng hệ thống chính sách công mạnh mẽ, hiệu lực và tin cậy hơn thông qua việc xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng với mục đích cải tiến liên tục sản phẩm và dịch vụ công của mình.
Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của UBND huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang - (Ảnh: VGP)
Tại Việt Nam, trong những năm qua, việc triển khai Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước đã khẳng định vai trò của Tiêu chuẩn là công cụ quan trọng, hỗ trợ cho các cơ quan hành chính nhà nước trong chuẩn hóa quá trình giải quyết công việc, cải tiến phương thức thực thi công vụ với mục tiêu hướng tới sự hài lòng của tổ chức, cá nhân có liên quan; minh bạch hóa các quy trình giải quyết thủ tục hành chính, hướng đến một nền hành chính hiện đại, dân chủ, trong sạch và vững mạnh. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hoạt động cải cách hành chính nhà nước những năm qua.
Tuy nhiên, việc triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Quyết định 19/2014/QĐ-TTg tập trung vào phạm vi giải quyết các thủ tục hành chính. Do đó, để giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015, đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, có hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của công dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan về một chính quyền địa phương cung cấp sản phẩm và dịch vụ công chất lượng cao, nhằm phát triển cộng đồng địa phương bền vững và có trách nhiệm xã hội, duy trì lòng tin của công dân vào chính quyền và thể chế của chính quyền thì việc nghiên cứu, triển khai áp dụng một tiêu chuẩn mới mang tính tổng thể và toàn diện là cần thiết.
Với tình hình bối cảnh như vậy, việc áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 sẽ giúp chính quyền địa phương hiểu và thực hiện hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015 đảm bảo tính tổng thể, toàn diện, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của khách hàng/công dân, các bên quan tâm có liên quan khác và hướng tới phát triển kinh tế, xã hội bền vững.
Theo đó, ISO 18091 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng ISO 9001 tại chính quyền địa phương do Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) ban hành lần đầu năm 2015 và soát xét, sửa đổi năm 2019. Ngày 31/12/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 Hệ thống quản lý chất lượng - Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn tương đương tiêu chuẩn quốc tế ISO 18091:2019.
Áp dụng cho tất cả quá trình của chính quyền địa phương ở mọi cấp
Tiêu chuẩn này đưa ra các hướng dẫn cho chính quyền địa phương để hiểu và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng các yêu cầu của TCVN ISO 9001:2015. Tiêu chuẩn có thể áp dụng cho tất cả các quá trình của chính quyền địa phương ở mọi cấp nhằm hình thành một hệ thống quản lý chất lượng toàn diện hướng vào việc đạt được các mục tiêu của chính quyền địa phương.
Thực tế hiện nay, việc xác định phạm vị áp dụng của hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 tại các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước (theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014) chỉ tập trung vào hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân.
Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 áp dụng cho tất cả quá trình của chính quyền địa phương ở mọi cấp. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 và theo phân cấp, phân quyền thì chính quyền địa phương cần cung cấp đầy đủ các dịch vụ công cơ bản và thiết yếu khác cho khách hàng/công dân như:
Nhóm dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính công: Dịch vụ hành chính công, là loại dịch vụ gắn liền với chức năng quản lý nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân. Đây là một phần trong chức năng quản lý nhà nước. Ví dụ như cấp giấy phép, giấy chứng nhận, đăng ký, công chứng, thị thực, hộ tịch…
Nhóm dịch vụ công trong lĩnh vực sự nghiệp: gồm các hoạt động cung cấp phúc lợi xã hội thiết yếu cho người dân, thường giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp. Ví dụ như: giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe, y tế, thể dục thể thao, bảo hiểm, an sinh xã hội,...
Nhóm dịch vụ công trong lĩnh vực công ích: Theo khoản 28 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu là các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương hoặc cộng đồng dân cư mà Nhà nước cần bảo đảm vì lợi ích chung hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh và việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ này. Ví dụ: Cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, cấp điện, cấp nước sạch, cấp khí đốt, thu gom và xử lý rác thải, vận tải công cộng đô thị, phòng chống thiên tai, dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ công về nông lâm nghiệp,…
Do vậy, khi áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 chính quyền địa phương cần xác định phạm vi áp dụng bao gồm đầy đủ các nhóm dịch vụ công nêu trên để đảm bảo bao quát được tất cả sản phẩm/dịch vụ mà chính quyền địa phương cung cấp cho khách hàng/công dân.
Áp dụng Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 không nhằm thay thế hoặc bãi bỏ Hệ thống quản lý chất lượng hiện tại theo TCVN ISO 9001:2015 đã được xây dựng, áp dụng và duy trì trong thời gian vừa qua tại các cơ quan tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.
Cấu trúc trình bày của tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 bao gồm: Lời nói đầu; Lời giới thiệu; Từ điều khoản 1 đến điều khoản 10 của TCVN ISO 9001:2015 được đóng khung để phân biệt với các hướng dẫn chi tiết theo Tiêu chuẩn này; Phụ lục A: Công cụ đánh giá quản lý chất lượng tổng thể cho chính quyền địa phương; Phụ lục B: Các quá trình quản lý chất lượng tổng thể; Phụ lục C: Cơ chế tham gia toàn diện của công dân; Phụ lục D: Mối quan hệ giữa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, các hệ thống đo lường, quản lý khác và tiêu chuẩn này. |