Tăng cường quản lý chất lượng và đổi mới sáng tạo theo tiêu chuẩn ISO 56000

(CL&CS)- Sáng ngày 1/8, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh tổ chức lớp tập huấn tổng quan về quản lý đổi mới sáng tạo theo TCVN ISO 56000 cho các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

ISO 56000 là bộ tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo, được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) - Ban Kỹ thuật ISO/TC 270 xây dựng và ban hành năm 2019, nhằm hỗ trợ các tổ chức thúc đẩy đổi mới một cách có hệ thống. 

Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 có thể áp dụng cho tất cả tổ chức, bất kể loại hình, khu vực, mức độ trưởng thành hoặc quy mô. Bộ tiêu chuẩn đặc biệt hữu ích đối với các doanh nghiệp có mong muốn đổi mới nhưng còn thiếu bí quyết công nghệ, phương pháp quản trị và nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo.

ISO 56000 cung cấp đầy đủ thông tin mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần để tạo ra một hệ thống đổi mới trong các tổ chức của họ thông qua phân tích những năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong 5 lĩnh vực gồm: chiến lược, văn hóa, quá trình, công cụ và kỹ thuật, thước đo…

Tại lớp tập huấn, các chuyên gia cũng chia sẻ thêm về các loại hình, quy mô và phương pháp quản lý đổi mới sáng tạo; đổi mới: sản phẩm, quy trình, tiếp thị, tổ chức, mô hình kinh doanh, gia tăng, đổi mới cơ bản, phương pháp quản lý đổi mới; các ví dụ minh họa về ISO 56000; hệ thống quản lý đổi mới sáng tạo ISO 56002:2019; nguyên tắc quản lý đổi mới sáng tạo…

Thông qua buổi tập huấn này, các đại biểu tham dự được tiếp cận và hiểu rõ hơn về Bộ tiêu chuẩn ISO 56000 để đảm bảo hoạt động đổi mới sáng tạo thành công trong doanh nghiệp, từ đó có thể tiếp cận và từng bước ứng dụng vào thực tiễn tại đơn vị.

Theo ông Nguyễn Thái Bình - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, lớp tập huấn nhằm cung cấp thêm cho cộng đồng doanh nghiệp bộ tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi loại hình, quy mô một cách tổng thể, có hệ thống.

Ngoài ra, ISO 56000 hỗ trợ giúp các tổ chức, doanh nghiệp đạt được mục tiêu như: cải thiện khả năng quản lý cơ hội và rủi ro của doanh nghiệp; nâng cao doanh thu, lợi nhuận cũng như năng lực và khả năng cạnh tranh với đối thủ; tối ưu năng suất và hiệu quả sử dụng nguồn lực, giảm chi phí và chất thải. Đồng thời nâng cao uy tín và giá trị của doanh nghiệp; mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển ra các thị trường mới trên trường quốc tế; tăng cường năng lực tuân thủ các quy định và các yêu cầu…

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao hiểu biết về đo lường và chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Đồng Tháp đã triển khai mô hình tư vấn trực tuyến hỗ trợ chi tiết và kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Mô hình này bao gồm việc thành lập Tổ tư vấn và phân công công chức cập nhật dữ liệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, cũng như tạo lập ứng dụng để tiếp nhận và giải đáp thông tin. Ông Lê Quang Bon – Chủ doanh nghiệp tư nhân Lê Bon tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung chia sẻ: “Mô hình này giúp tôi tiếp cận thông tin nhanh chóng, không cần đến cơ quan chức năng và được hướng dẫn cụ thể cách ghi nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì vậy, mô hình này cần tiếp tục duy trì để nhiều cơ sở kinh doanh vàng tiếp cận thông tin nhanh chóng hơn, giúp việc kinh doanh đúng với quy định của pháp luật”.

TIN LIÊN QUAN