Sửa đổi Luật TC&QCKT để tăng cường hội nhập, đáp ứng yêu cầu minh bạch hoá

(CL&CS) - Luật TC&QCKT cần được sửa đổi, bổ sung quy định mới đảm bảo phù hợp với mức độ cam kết hội nhập, minh bạch hóa của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới, cũng như định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Chia sẻ về những bất cập, hạn chế trong quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TC&QCKT), văn bản hướng dẫn thi hành, đại diện Vụ Tiêu chuẩn (Tổng cục TCĐLCL) nhấn mạnh về bất cập, hạn chế đối với vấn đề hội nhập quốc tế và yêu cầu minh bạch hoá.

Theo đại diện Vụ Tiêu chuẩn, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng trong khuôn khổ WTO, APEC, ASEAN..., thời gian qua Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới như EVFTA, Hiệp định CPTPP, RCEP. Như vậy, có thể thấy Việt Nam đã tham gia rất sâu, thực chất vào hội nhập kinh tế quốc tế, trong đó có lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đưa ra tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước, trong đó, đối với vấn đề hợp tác quốc tế có một số nội dung như: nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Cụ thể của các nội dung trên được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với những nội dung như: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường, tranh thủ nguồn vốn, công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước phát triển hơn trong khu vực và thế giới.

Điều 6 của Luật TC&QCKT đưa ra các nguyên tắc cơ bản của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với thời điểm 2007 khi Việt Nam mới gia nhập WTO, mà chưa đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay, khi chúng ta đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới. Trong các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) đều có các quy định về cam kết minh bạch hóa liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp, cụ thể: Điều 8.7 của Chương 8 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định CPTPP quy định về minh bạch hóa; Điều 5.7 của Chương 5 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định EVFTA quy định về minh bạch hóa; Điều 6.11 của Chương 6 Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại của Hiệp định RCEP quy định về minh bạch hóa.

 Ảnh minh hoạ

Nội dung của nghĩa vụ này yêu cầu các bên thừa nhận tầm quan trọng của tính minh bạch liên quan đến việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp như: tham vấn công khai, đảm bảo rằng các bên quan tâm của bên kia được phép tham gia vào các tham vấn công khai chính thức liên quan đến quá trình xây dựng, đánh giá tác động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp...

Luật TC&QCKT hiện nay đã lồng ghép các quy định/cam kết về minh bạch hóa trong các điều về quá trình xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay (năm 2022), khi Việt Nam đã tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP) các quy định trong các Hiệp định này quy định chặt chẽ và yêu cầu cao hơn rất nhiều so với Hiệp định TBT của WTO. Đặc biệt, hiện nay, các biện pháp TBT ngày càng có ảnh hưởng lớn tới thương mại quốc tế trong xu thế cắt giảm thuế quan của các Hiệp định FTAs thế hệ mới, các quốc gia ngày càng sử dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp (các biện pháp TBT) như là một biện pháp phi thuế quan để bảo vệ sản xuất và hàng hóa trong nước, cụ thể theo thống kê của WTO, số lượng các biện pháp về TBT của các nước Thành viên WTO thông báo sẽ dự kiến ban hành và áp dụng tăng đều từ 2015 đến 2019 là 18% mỗi năm, riêng năm 2021 tổng số thông báo về các biện pháp TBT của các nước là 3.996 biện pháp, tăng 18% so với năm 2020.

Về vấn đề hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, Điều 8 của Luật TC&QCKT quy định những nội dung mang tính nghĩa vụ, thụ động của Việt Nam khi hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chưa thể hiện tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham giao vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ:

- Nhà nước khuyến khích mở rộng hợp tác với các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; tranh thủ sự giúp đỡ của các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực, tổ chức, cá nhân nước ngoài trên cơ sở bảo đảm nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi.

- Nhà nước tạo điều kiện và có biện pháp thúc đẩy việc ký kết các thoả thuận song phương và đa phương về thừa nhận lẫn nhau đối với kết quả đánh giá sự phù hợp nhằm tạo thuận lợi cho việc phát triển thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia, vùng lãnh thổ.

Có thể thấy, quy định như trên thể hiện tính nghĩa vụ của Việt Nam khi hội nhập quốc tế. Điều này chỉ đúng trong bối cảnh năm 2007, khi Việt Nam là quốc gia mới gia nhập WTO, nền kinh tế còn nhỏ với GDP khoảng 78 tỷ USD và chưa tham gia sâu rộng vào thương mại quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay, đến năm 2021, GDP của Việt Nam là khoảng 330 tỷ USD (gấp 4 lần thời điểm gia nhập WTO), Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu lúa gạo, cà phê, thủy sản, sản phẩm dệt may, da giầy, điện tử...hàng đầu thế giới và là thành viên chính thức của ISO, ITU, Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của IEC và nhiều tổ chức quốc tế khác, Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn.

Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến các sản phẩm hàng hoá chủ lực của mình. Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia, tham gia tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp, cũng như người tiêu dùng Việt Nam trước sự cạnh tranh của các quốc gia khác.

Hiện nay, Luật TC&QCKT chưa có quy định về khái niệm, chức năng, nhiệm vụ của “cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia”. Theo quy định hiện hành, Bộ Khoa học và Công nghệ có chức năng, nhiệm vụ như một cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia, chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, đồng thời, có trách nhiệm thực hiện các hoạt động tại khoản 2 Điều 59 Luật TC&QCKT.

Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, quá trình tham gia vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, ký kết các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đòi hỏi các quốc gia cần có quy định cụ thể về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia để thuận tiện cho hoạt động hợp tác quốc tế, thuận lợi hóa thương mại. Cụ thể: Điều 5.5 Hiệp định EVFTA quy định: “1. Hai Bên khẳng định nghĩa vụ của mình theo Điều 4.1 của Hiệp định TBT để đảm bảo rằng các cơ quan tiêu chuẩn hoá của mình chấp nhận và tuân thủ Quy chế Thực hành tốt trong việc xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn tại Phụ lục 3 của Hiệp định TBT...”. Điều 6.6 Hiệp định RCEP quy định: 1. Đối với việc biên soạn, chấp nhận và áp dụng tiêu chuẩn, mỗi Bên phải đảm bảo rằng cơ quan tiêu chuẩn hóa của mình hoặc các cơ quan biên soạn, chấp nhận và áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia chấp thuận và phù hợp với Phụ lục 3 của Hiệp định TBT. Ngoài các quy định tại Hiệp định EVFTA và RCEP đã nêu trên, Hiệp định TBT (Phụ lục 3) và CPTPP (Điều 8.7) đều có quy định về cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Tương tự, quy định khái niệm về “Hạ tầng chất lượng quốc gia” cũng là khái niệm mà hiện nay được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, trong đó, tiêu chuẩn là một trong ba trụ cột quan trọng nhất. Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) được coi là nền tảng cơ bản của thương mại quốc tế, là tiền đề để các quốc gia trên thế giới, nhất là các quốc gia đang phát triển, tiếp cận thị trường quốc tế theo nguyên tắc hiện đại.

Theo thông lệ quốc tế, Hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure, NQI) là hệ thống cơ chế pháp lý và kỹ thuật để triển khai hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, đánh giá sự phù hợp (bao gồm cả công nhận) ở từng quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong nước. Trên phạm vi toàn cầu, NQI của các quốc gia được đánh giá và biểu diễn bằng Chỉ số Hạ tầng chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index, GQII) và Hạ tầng chất lượng (Quality Infrastructure, QI) là động lực thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế và tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng bền vững và cân bằng, phát triển bền vững. Hiện nay, các nước đang phát triển trong khu vực rất quan tâm tới việc xây dựng Hạ tầng chất lượng quốc gia và nâng cao chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia của mình.

Tại Việt Nam, khái niệm Hạ tầng chất lượng quốc gia, các nguyên tắc, biện pháp để tổ chức thực hiện nhằm theo dõi, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế chưa được quy định rõ ràng. Việc tăng cường năng lực, phát triển Hạ tầng chất lượng quốc gia của Việt Nam là yêu cầu, giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do vậy, việc đưa vào khái niệm, quy định về cơ chế chính sách phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, quy định về phối hợp xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia là vấn đề cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Như vậy, có thể thấy quy định tại Luật TC&QCKT hiện nay chưa đáp ứng hoàn toàn với yêu cầu hội nhập quốc tế khi mà Việt Nam đã ký kết, tham gia các FTA thế hệ mới với các cam kết mở hơn cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, phải tuân thủ các yêu cầu cao hơn, chặt chẽ hơn về tính công khai, minh bạch liên quan đến hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp trong quá trình thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, khu vực.

Vì vậy, Luật TC&QCKT cần được sửa đổi, bổ sung quy định mới đảm bảo phù hợp với mức độ cam kết hội nhập, minh bạch hóa của Việt Nam trong các FTA thế hệ mới, cũng như định hướng phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Luật TC&QCKT số 68/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29/6/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 (sau đây gọi là “Luật TC&QCKT”) là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Qua 15 năm triển khai thực hiện, Luật TC&QCKT đã tạo chuyển biến tích cực đối với hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đáp ứng quy định của Hiệp định về hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng tham gia, hợp tác quốc tế sâu rộng về thương mại tự do theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP dẫn đến việc thực thi các Hiệp định này cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ngày càng đối mặt nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, với chủ chương của Đảng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thấy Luật TC&QCKT trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

TIN LIÊN QUAN