Hoàn thiện nhiều chính sách có hiệu lực từ năm 2025
Trong cuộc họp triển khai thực thi Luật Bảo vệ môi trường, theo báo cáo của lãnh đạo các đơn vị về chuẩn bị cho một số chính sách được triển khai thực hiện trong thời gian tới, trong đó, hoàn thiện và trình một số chính sách sẽ có hiệu lực từ năm 2025 như: Quy định phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; lộ trình lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục; sớm ban hành các Quy chuẩn Việt Nam về chất thải.
Chính sách về trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR); vận hành thị trường các-bon sớm hơn theo quy định (theo quy định của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, việc vận hành thị trường các-bon sẽ được chuẩn bị đến hết năm 2027 và chính thức vận hành từ năm 2028).
Trong năm 2025 và các năm tiếp theo, các đơn vị được phân công chủ trì xây dựng văn bản cần tiếp tục trình ban hành các quyết định về: Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước đối với sông, hồ liên tỉnh; kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí; cải tạo, phục hồi môi trường đất; phê duyệt tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Cần kịp thời xử lý các tồn tại, khó khăn trong quản lý bảo vệ môi trường hiện nay trên tinh thần công khai, minh bạch. Ảnh minh họa
Các Thông tư quy định về hoạt động kết nối sàn giao dịch tín chỉ các-bon trong nước với thị trường thế giới; quy định về quy chuẩn quốc gia môi trường; định mức kinh tế- kỹ thuật kiểm kê quan trắc đa dạng sinh học; Các văn bản hướng dẫn kỹ thuật và định mức kinh tế- kỹ thuật theo lộ trình đã được Bộ phê duyệt…
Quyết liệt hơn trong vấn đề bảo vệ môi trường
Trên cơ sở báo cáo giải trình của các ý kiến tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ rà soát lại toàn bộ kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai Luật Bảo vệ Môi trường, trong đó những nhóm công việc cụ thể cần được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành để các địa phương sớm có kế hoạch triển khai, thực thi Luật.
Thành lập tổ công tác xử lý dứt điểm các nhóm công việc còn tồn đọng trên tinh thần làm việc khách quan, minh bạch, có lộ trình xem xét, kiểm tra gắn vào đó trách nhiệm của người đứng đầu từng đơn vị.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh các đơn vị cần chú trọng công tác tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành, không lấy việc cắt giảm thủ tục hành chính làm thành tích bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Với từng cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát tất cả các loại giấy phép, thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là đánh giá tác động môi trường. Đồng thời kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định về giấy phép, thủ tục hành chính theo hướng phân cấp, phân quyền triệt để cho địa phương, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời xây dựng, hoàn thiện cơ chế, công cụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp phép, thủ tục hành chính đảm bảo ngăn ngừa hiệu quả các hành vi tiêu cực…
Bên cạnh đó, rà soát, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2297/VPCP-NN ngày 08 tháng 4 năm 2024, đảm bảo phân cấp, phân quyền tối đa, triệt để, cắt giảm thủ tục hành chính…, Bộ trưởng đề nghị hoàn thành trong tháng 6 năm 2024.
Chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện cấp phép, thủ tục hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường tại các cấp, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp thiếu trách nhiệm, gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, người dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo định của pháp luật.
Tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp tốt với các địa phương để kịp thời xử lý các tồn tại, khó khăn hiện nay trên tinh thần công khai, minh bạch. Chủ động nắm bắt những vướng mắc của địa phương để đề xuất lãnh đạo Bộ có những giải pháp kịp thời.
Chú trọng công tác tham mưu, xây dựng các cơ chế chính sách, kiểm tra giám sát nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật hiện hành, không lấy việc cắt giảm thủ tục hành chính làm thành tích bởi đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ban hành 5 quy chuẩn quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh QCVN 03:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng đất; QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí; QCVN 08:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt; QCVN 09:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới đất QCVN 10:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. |