Six Sigma hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu suất

(CL&CS)- Six Sigma ra đời như một giải pháp mạnh mẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu suất và tối đa hóa giá trị cho khách hàng.

Trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh, việc duy trì chất lượng cao và tối ưu hóa quy trình là yếu tố sống còn của mọi doanh nghiệp. Six Sigma ra đời như một giải pháp mạnh mẽ giúp giảm thiểu sai sót, nâng cao hiệu suất và tối đa hóa giá trị cho khách hàng.

Six Sigma là phương pháp được các doanh nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong việc giảm sai lỗi, giảm chi phí, tăng sự hài lòng của khách hàng và bảo đảm giao hàng đúng hẹn, đồng thời là cơ sở quan trọng để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bản chất của việc ứng dụng Six Sigma là nhằm cải tiến quy trình sao cho những vấn đề khuyết tật không có cơ hội xảy ra bằng việc xác định các tác nhân chính gây ra thay cho việc tìm hiểu các giải pháp ngắn hạn hoặc tạm thời để giải quyết vấn đề. Đây là lý do để nhiều doanh nghiệp áp dụng trong kiểm soát chất lượng ở nhiều lĩnh vực.

Ví dụ điển hình về việc ứng dụng Six Sigma nhằm cải tiến quy trình sao cho những vấn đề sản phẩm bị lỗi hạn chế xảy ra. Tập đoàn Samsung, được thành lập vào năm 1938 tại Hàn Quốc, đã khẳng định vị thế là một trong những công ty hàng đầu thế giới về sản xuất, tài chính và dịch vụ. Với kế hoạch gia nhập thị trường điện thoại di động toàn cầu của Samsung bị đổ vỡ bởi chiếc di động hàng đầu lúc đó là Samsung SH-700 có tỷ lệ lỗi quá cao, lên đến 11,8%. Việc tổng cộng 150.000 sản phẩm buộc phải thu hồi và tiêu huỷ là một cú sốc tại thời điểm đó.

Nhưng cũng từ đây, Samsung quyết định thay đổi phương châm vận hành từ việc ồ ạt sản xuất số lượng lớn sang đến tập trung vào chất lượng sản phẩm, sao cho đáp ứng được tiêu chuẩn toàn cầu. Hệ phương pháp Six Sigma được chọn để triển khai trên toàn bộ các cấp bậc quản lý cũng như nhân viên tất cả các bộ phận.

Sau khi thu về những kết quả đầu tiên trong sản xuất, Samsung mở rộng phạm vi áp dụng Six Sigma sang cả marketing, sale và ngay cả những bộ phận phục vụ gián tiếp như kế toán, nhân sự, cung ứng, và cuối cùng là đến toàn bộ chuỗi cung cấp. Toàn bộ nhân viên của họ đều được tham gia khoá đào tạo bài bản về lý thuyết và vận dụng Six Sigma.  Cho đến nay, Samsung đang đứng top các công ty hàng đầu thế giới về hiệu quả của chuỗi cung ứng, một phần quan trọng trong năng lực sản xuất của công ty.

Nhà máy Công ty Ford Việt Nam

Một ví dụ điển hình khác là Công ty Ford Việt Nam đã bắt đầu triển khai Six Sigma vào 200 dự án cải tiến quy trình trong mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh vào năm 2000. Kết quả sau 7 năm thực hiện, Ford đã tiết kiệm được 1,2 triệu USD và đạt chỉ số hài lòng của khách hàng ở mức trên 90% qua mỗi năm. 

Trong số các dự án Six Sigma mà Ford Việt Nam thực hiện, có một dự án khá tiêu biểu là áp dụng Six Sigma để giảm số lượng container chở linh kiện nhập khẩu. Nhận thấy các thùng chứa linh kiện xe hơi trong các container nhập khẩu vào Việt Nam còn rất nhiều khoảng trống, Ford đã sắp xếp lại không gian trong từng container cho phù hợp hơn. Từ việc tiết kiệm không gian này, Ford Việt Nam đã tiết kiệm được 150.000 USD ngay trong năm 2005. 

Đại diện Ford Việt Nam cho biết, Six Sigma là công cụ cải tiến quy trình hiệu quả cao gấp 2,5 lần so với ISO 9000 và gấp 5 lần hệ thống quản lý chất lượng toàn diện. Trước đây, Six Sigma thường được áp dụng để giảm quyết tật, tỷ lệ phế phẩm trong sản xuất, nhưng giờ đây nó cũng được các doanh nghiệp ứng dụng vào khâu dịch vụ nhằm tiết kiệm chi phí và tăng chất lượng phục vụ khách hàng.

TIN LIÊN QUAN