VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. (Ảnh: Mai Thoa). |
Ngày 21/8 Công ty Quản lý tài sản - VAMC đã tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Sài Gòn One Tower nhằm mục đích xử lý, thu hồi nợ theo quy định pháp luật. Đây là tài sản bảo đảm đầu tiên bị VAMC thu giữ để xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 vừa có hiệu lực. Tổng dư nợ tính cả gốc lẫn lãi đến thời điểm hiện nay đã lên trên 7.000 tỷ đồng.
Tương tự, gần đây, Ngân hàng Agribank cũng liên tiếp thu giữ và tổ chức đấu giá tài sản để thu hồi nợ xấu. Ngày 21/9, Agribank Cao Thắng (Quảng Ninh) đã thu giữ một tài sản bảo đảm tại khu vực phường Bạch Đằng (TP. Hạ Long). Cùng ngày, Công ty Mua bán nợ Agribank (Agribank AMC) sẽ tổ chức thu giữ tài sản bảo đảm của Công ty Vinalines Đông Đô do công ty này vi phạm nghĩa vụ trả nợ.
Mới đây, Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Thủ Đức, TP.HCM ra thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bảo đảm là miếng đất tọa lạc tại phường 5, TP.Vũng Tàu với mức giá khởi điểm hơn 48,6 tỷ đồng.
Ngân hàng Techcombank thông báo đã thu giữ tài sản chủ yếu là căn hộ của 6 khách hàng trên địa bàn Hà Nội để chuẩn bị chào bán thông qua đấu giá. Tính chung kể từ cuối tháng 8 đến nay, Techcombank đã thông báo thu giữ 32 tài sản bảo đảm là bất động sản và xe của cá nhân, tổ chức.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã được Thủ tướng giao chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 42. Giới chuyên gia kỳ vọng, sau khi có hướng dẫn cụ thể của Ngân hàng Nhà nước, việc mua bán nợ xấu sẽ sôi động hơn.
Theo các chuyên gia, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản bảo đảm thời gian tới sẽ tăng mạnh. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách.
Nghị quyết 42 cho phép mọi cá nhân, tổ chức đều có quyền mua nợ xấu qua các phiên đấu giá công khai. Với “làn sóng” thu hồi nợ và bán nợ đang gia tăng mạnh mẽ hiện nay, việc mua bán nợ xấu sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 42, đến nay VAMC đã thực hiện đánh giá 1.171 khách hàng, dư nợ gốc nội bảng tại thời điểm đánh giá là 160.473 tỷ đồng. Trên cơ sở đánh giá, VAMC đã phân loại 7 biện pháp xử lý nợ phù hợp; lên danh sách 62 trung tâm bán đấu giá tài sản trực thuộc sở tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các tổ chức đấu giá chuyên nghiệp; hỗ trợ các TCTD gửi thông báo thanh toán nợ tới khách hàng, gửi công văn tới TAND các cấp, cơ quan thi hành án, UBND các cấp thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho TCTD, VAMC… (Nguồn: VAMC) |
Mai Thoa