Quảng Ngãi: Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng

(CL&CS)- Xây dựng và nhân rộng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng dựa trên áp dụng giải pháp năng suất xanh và tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Xây dựng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng

Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Cuộc họp đã tập trung xem xét, đánh giá 2 nhiệm vụ quan trọng: Xây dựng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng dựa trên áp dụng giải pháp năng suất xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng quy trình và mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ chè, quế và gừng đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế (USDA, JAS, EU) tại các hợp tác xã thuộc huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi).

Hội đồng thống nhất chọn xây dựng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025

Nhiệm vụ “Xây dựng mô hình điểm nâng cao năng suất chất lượng dựa trên áp dụng giải pháp Năng suất xanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi” đã nhận được sự thống nhất tuyệt đối từ hội đồng với 8/8 phiếu thuận. Đây là mô hình hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực quản lý, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm tác động môi trường và cải thiện chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Ngoài ra, hội đồng cũng ý kiến đề xuất chỉnh sửa một số nội dung của nhiệm vụ, tên gọi, việc nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa mở rộng thị trường, cải thiện hiệu quả tài nguyên và môi trường trên địa bản tỉnh.

Theo đánh giá của hội đồng, việc áp dụng giải pháp “năng suất xanh” không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp mà còn giúp mở rộng thị trường, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường và truy xuất nguồn gốc ngày càng trở nên khắt khe.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ khác về hỗ trợ sản xuất chè, quế, gừng theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế tại huyện Trà Bồng đã không được lựa chọn do trùng lặp với các đề tài đã và đang thực hiện.

Nhân rộng mô hình cây trồng cho năng suất cao

Nhằm nâng cao nhận thức và năng lực của người dân trong sản xuất và sử dụng sản phẩm an toàn, trong những năm qua, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) đã xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp trên một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Để xây dựng các mô hình đạt tiêu chuẩn VietGAP, Trường Đại học Nông Lâm đã tiến hành phân tích chất lượng đất, chọn đất không bị ô nhiễm, không chịu ảnh hưởng của chất thải công nghiệp, bệnh viện và các nguồn ô nhiễm khác, đáp ứng QCVN 03-MT:2015/BTNMT, lượng kim loại nặng cho phép trong tầng đất mặt đối với đất nông nghiệp.

Các loại cây trồng được lựa chọn sản xuất thương phẩm gồm đậu phụng, ớt, dưa hấu, bưởi da xanh, áp dụng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP (TCVN 11892-1.2017) và quy trình sản xuất được bổ sung, hoàn thiện ban hành bởi Trường Đại học Nông Lâm.

Mô hình sản xuất đậu phụng VietGAP được triển khai trong 2 vụ đông xuân và hè thu tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thọ, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) trên diện tích 1ha, với 10 hộ tham gia. Trong quá trình thực hiện mô hình, Trường Đại học Nông Lâm phối hợp với cán bộ kỹ thuật theo dõi, hướng dẫn cho các hộ tham gia mô hình; chia sẻ kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cập nhật danh mục các hoạt chất bị cấm trong sản xuất; kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất và trước thu hoạch. Kết quả cho thấy, năng suất thực thu vụ đông xuân mô hình VietGAP đạt 39,6 tạ/ha, cao hơn mô hình đối chứng 10,7 tạ/ha. Trong vụ hè thu, mô hình VietGAP đạt 30,1 tạ/ha, cao hơn mô hình đối chứng 8,1 tạ/ha. Lợi nhuận mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP cao hơn mô hình đối chứng ở cả 2 vụ (từ 29 - 34 triệu đồng/ha).

Mô hình sản xuất ớt  VietGAP được thực hiện tại HTX Nông nghiệp Tây Hiệp, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) trên diện tích 1ha, với 13 hộ tham gia. Giống ớt sử dụng trong mô hình là giống ớt hai mũi tên đỏ HMT95. Năng suất ở mô hình VietGAP đạt trên 17,6 tấn/ha, cao hơn 940kg/ha so với mô hình đối chứng của người dân. Với giá bán trung bình 18 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập gần 318 triệu đồng/ha ở mô hình VietGAP và hơn 300 triệu đồng/ha ở mô hình đối chứng. Lợi nhuận đạt gần 162 triệu đồng/ha ở mô hình VietGAP và hơn 138 triệu đồng/ha ở mô hình đối chứng.

Mô hình sản xuất dưa hấu VietGAP được triển khai tại thôn Lương Nông Bắc, xã Đức Thạnh (Mộ Đức), với quy mô 1ha, có 4 hộ dân tham gia. Giống dưa hấu được đưa vào trồng là dưa hấu Apollo 66. Kết quả qua theo dõi, so sánh ở ruộng mô hình VietGAP và ruộng đối chứng của người dân cho thấy: Khả năng sinh trưởng, phát triển và năng suất ở mô hình VietGAP nổi trội hơn so với mô hình của người dân. Ở vụ xuân hè, mô hình VietGAP có năng suất thực thu đạt 35,72 tấn/ha, cao hơn mô hình đối chứng của nông dân 3,46 tấn/ha. Ở vụ hè, mô hình VietGAP cho năng suất 27,65 tấn/ha, cao hơn mô hình đối chứng của nông dân 5,28 tấn/ha. Hiệu quả kinh tế khi đánh giá lợi nhuận ở mô hình VietGAP vượt trội hơn so với mô hình đối chứng của người dân là từ 22 - 30 triệu đồng.

Mô hình sản xuất bưởi da xanh VietGAP được xây dựng tại HTX Nông nghiệp Hành Nhân, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành), với quy mô 1ha, có 6 hộ tham gia. Thực tế cho thấy, số lượng quả còn lại trên cây sau thời gian đậu quả (78 ngày) ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 20,6 quả/cây, nhiều hơn so với mô hình đối chứng (15 quả/cây). Việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP giúp cây bưởi đạt số quả trên cây tốt hơn. Đây là yếu tố quyết định đến năng suất của cây bưởi da xanh (17,51 tấn/ha ở mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP và 11,25 tấn/ha ở mô hình của nông dân).

Theo PGS.TS Trần Thanh Đức, Trường Đại học Nông Lâm, qua kết quả thực hiện 4 mô hình VietGAP trên cây ớt, đậu phụng, dưa hấu và bưởi da xanh cho thấy, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây trồng đối chứng của nông dân. Điều quan trọng nữa là, qua việc thực hiện các mô hình VietGAP đã nâng cao nhận thức của nông dân trong canh tác cây trồng, góp phần ngăn ngừa và hạn chế nguy cơ ô nhiễm...

TIN LIÊN QUAN