Tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý chất lượng xét nghiệm giai đoạn 2019-2021 và kế hoạch năm 2022, GS.TS. Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm (Đại học Y Hà Nội) cho biết, hiện nay cả nước có hàng nghìn cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập với nhiều cơ sở xét nghiệm ở các quy mô khác nhau. Việc thiết lập quản lý hệ thống, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình chuyên môn chuẩn cho toàn bộ hoạt động trong lĩnh vực y học cận lâm sàng là điều đặc biệt quan trọng, nhằm liên thông và công nhận kết quả lẫn nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian và chi phí, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
"Các hoạt động lâm sàng không thể đem lại kết quả tốt nếu như không có một hệ thống các phòng xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng cận lâm sàng chuẩn và ngược lại, các hoạt động cận lâm sàng không thể đem lại kết quả hữu ích nếu như không có một hệ thống các quy trình lâm sàng chuẩn mực", GS. Tạ Thành Văn nhấn mạnh.
GS.TS. Tạ Thành Văn, Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm
Cả nước hiện có 3 trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học, đó là Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học trực thuộc Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học trực thuộc Đại học Y dược TPHCM và Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Đây là các trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm độc lập, bên ngoài các cơ sở khám chữa bệnh, được thành lập theo quyết định của Bộ Y tế để triển khai đánh giá chất lượng của các phòng xét nghiệm trong cùng khu vực.
Kết quả kiểm chuẩn xét nghiệm của các cơ sở y tế được phân tích đánh giá, bảo mật và được Trung tâm thông báo cho từng phòng xét nghiệm thuộc khu vực quản lý. Qua đó giúp các phòng xét nghiệm tự đánh giá được quy trình và chất lượng xét nghiệm của mình để xác định được khâu nào, lĩnh vực nào cần phải đầu tư nâng cao hay cải tiến. Đây cũng chính là tiền đề đặc biệt quan trọng, hướng tới việc liên thông và công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau giữa các cơ sở khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian và chi phí của người bệnh, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả điều trị.
Thông qua Trung tâm Kiểm chuẩn, các cán bộ làm việc tại các cơ sở xét nghiệm được cung cấp đầy đủ thông tin, chương trình đào tạo và được thực thi chế độ ngoại kiểm thường xuyên để nâng cao năng lực chuyên môn có khả năng giám sát chất lượng của từng xét nghiệm trong đơn vị mình. Trung tâm cũng triển khai các hoạt động tư vấn, đào tạo tại chỗ hoặc trực tuyến để hỗ trợ các cá nhân, cơ sở xét nghiệm các vấn đề nảy sinh trong quá trình hoạt động chuyên môn.
PGS.TS. Trần Huy Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học thuộc Đại học Y Hà Nội cho biết: "Sau hơn 10 năm triển khai, cái thu được lớn nhất là ý thức, quan điểm về văn hóa chất lượng trong lĩnh vực xét nghiệm đã xuyên suốt từ các cấp lãnh đạo đến các bác sĩ, nhân viên y tế. Vai trò của xét nghiệm trong chẩn đoán, hướng điều trị và tiên lượng bệnh cho bệnh nhân rất quan trọng",
Theo PGS.TS. Trần Huy Thịnh, trong số khoảng 800 cơ sở y tế khu vực phía bắc tham gia kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm có tới 74% cơ sở công lập và 26% cơ sở tư nhân. Số lượng cơ sở tư nhân tham gia ngày càng nhiều, vì họ ý thức rằng, chất lượng xét nghiệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu.
Hiện, cả nước đã có khoảng 2000 cơ sở y tế tham gia kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm tại 3 Trung tâm Kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm y học trên.