Cha ông ta từ khi chưa có phân bón hóa học đã coi nước thải chăn nuôi là nguồn nguyên liệu đầu vào chính để sản xuất nông nghiệp. Nhiều nước phát triển trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan cũng cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi cho mục đích trồng trọt. Nhìn từ góc độ kinh tế nước thải chăn nuôi còn là nguồn tài nguyên hữu cơ có giá trị cho cây trồng.
Tuy nhiên ô nhiễm môi trường khu vực nông thôn, trong đó có ô nhiễm từ nước thải chăn nuôi là một vấn đề lớn mà Việt Nam đang phải đối mặt. Hầu hết nước thải chăn nuôi không được xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xả trực tiếp vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, nước ngầm, tác động xấu đến điều kiện vệ sinh và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ cộng đồng.
Hiện nay, nguồn nước thải trong chăn nuôi chủ yếu từ nuôi lợn thịt và bò sữa. Tình trạng chăn nuôi tự phát vẫn còn diễn ra nhiều nơi, chưa tuân theo quy hoạch nên việc xử lý và xả nước thải chăn nuôi chưa được đồng bộ.
Trước đây việc tái sử dụng nước thải chăn nuôi tưới cho cây trồng bị các trở ngại do thiếu hành lang pháp lý. Hầu hết lượng nước thải chăn nuôi (374 triệu m3/năm) phần lớn không được sử dụng cho mục đích trồng trọt mà xả trực tiếp hoặc được đưa qua các hệ thống xử lý nước thải khá tốn kém trước khi thải ra môi trường.
Do đó, để đảm bảo nước thải đầu ra sử dụng cho cây trồng đạt tiêu chuẩn cần phải đáp ứng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT do Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, Cục Chăn nuôi phối hợp biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành kèm theo Thông tư 28/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022.
Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng cần đảm bảo theo quy chuẩn để hạn chế ô nhiễm môi trường, sức khỏe. Ảnh minh họa
Quy chuẩn này quy định giá trị giới hạn cho phép về các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng tưới gốc cho cây trồng. Cây trồng trong quy chuẩn này bao gồm cây trồng nông nghiệp, cây trồng lâm nghiệp và cây dược liệu.
Nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng là nước thải ra từ các hoạt động chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy định tại Quy chuẩn này để tưới gốc cho cây trồng. Nước thải chăn nuôi xả ra nguồn tiếp nhận nước thải sử dụng chung (hệ thống thoát nước đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; sông, suối, khe, rạch, kênh, mương, hồ, ao, đầm, phá, vùng nước biển ven bờ có mục đích sử dụng xác định) không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-195:2022/BNNPTNT áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng.
Theo đó, Quy chuẩn QCVN 01-195:2022/BNNPTNT quy định kỹ thuật về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng phải tuân theo giá trị giới hạn các thông số của nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng như sau:
Thông số Ph thì giá trị giới hạn là 5,5-9; clorua nhỏ hơn hoặc bằng 600mg/L; Asen nhỏ hơn hoặc bằng 1mg/L; Cadimi nhỏ hơn hoặc bằng 0,01mg/L; Crom nhỏ hơn hoặc bằng 0,5mg/L; Thủy ngân nhỏ hơn hoặc bằng 0,002mg/L; Chì nhỏ hơn 0,05mg/L; E.coli giá trị giới hạn đối với các loại cây trồng trừ cây rau, cây dược liệu hàng năm là lớn hơn 200mg/L đến 1000mg/L, đối với cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày không sử dụng làm thực phẩm thức ăn cho vật nuôi thì giới hạn là trên 1000 đến 50000 mg/L; trên 5000 mg/L sẽ không được sử dụng cho các loại cây trồng.
Tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này. Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng phải thực hiện công bố hợp quy và đăng ký công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ; Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Khi nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng được đánh giá, công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng phải chịu sự đánh giá giám sát không quá 12 tháng/1 lần hoặc đột xuất khi cần thiết.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân sở hữu các cơ sở chăn nuôi trang trại có nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng thuộc đối tượng ra Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy và tổng hợp, gửi báo cáo định kỳ hàng năm trước ngày 15 tháng 12 hoặc đột xuất theo yêu cầu cho Cục Chăn nuôi.
Khi phát hiện nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng không phù hợp với công bố hợp quy, tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng phải dừng sử dụng và kịp thời thông báo bằng văn bản về sự không phù hợp tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy; sau khi thực hiện các biện pháp khắc phục đạt yêu cầu thì thông báo bằng văn bản tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu trên trước khi tiếp tục sử dụng.