Nokia và Blackberry “bừng dậy” sau giấc ngủ dài?

(NTD) - Với mong muốn vực dậy hai thương hiệu di động khổng lồ Nokia và Blackberry, mới đây HMD Global và TCL đã cho ra mắt 5 mẫu điện thoại mới nhân sự kiện Mobile World Congress - MWC 2017.

Giấc ngủ dài của Nokia và Blackberry

Nếu không tìm hiểu, thật khó có thể tin rằng, vị thế mà Apple hay Samsung đang nắm giữ, trước đây là sân chơi riêng của Nokia và Blackberry - những ông vua đích thực của ngành công nghiệp di động thời điểm đó.

Nokia - bắt đầu nghiên cứu sản xuất điện thoại di động từ những năm 80 và đến đầu những năm 90 tung sản phẩm ra thị trường. Năm 2007, Nokia đã chiếm 41% thị trường điện thoại cầm tay toàn cầu.

Trong khi đó, Blackberry là sản phẩm của Công ty Canada Research in Motion - biểu tượng về môi trường làm việc hoàn hảo của các chuyên gia hàng đầu. Đỉnh cao của công ty này là vào năm 2009, khi ấy những “Quả dâu đen” đã mang về lợi nhuận 2 tỷ USD và chiếm 20% thị phần điện thoại di động thế giới.

Tuy nhiên, “đời không như là mơ”, sự vươn lên mạnh mẽ của Apple với iPhone chạy nền tảng iOS và hệ điều hành Android của Google ra đời vào năm 2007 như một điềm gở với cả Nokia lẫn Blackberry.

Mặc dù vậy, với tâm lý “kênh kiệu” của những kẻ đang đứng trên đỉnh danh vọng, hai gã khổng lồ này vẫn bình chân như vại và kết cục là đến thời điểm này, Nokia và Blackberry đều đã ngừng sản xuất điện thoại và bán mình dưới nhiều hình thức khác nhau cho hai Tập đoàn HMD Global và TCL.

Từ nhiều năm qua, khách hàng chỉ biết đến hình ảnh của “Những quả táo khuyết”, chứ chẳng còn ai nhớ về hình ảnh “Những quả dâu đen” cả!

Trong một thời gian rất dài sau chuyển giao đó, hầu như không một ai - ngoại trừ những chuyên gia là còn theo dõi cho đến khi 4 thiết bị mang tên Nokia và 1 mang tên Blackberry được giới thiệu tại MWC năm nay...

 

KEYone - niềm hy vọng của Blackberry và TCL.

Lơ mơ tỉnh mộng...

Sản phẩm được TCL giới thiệu tại MWC 2017 là chiếc Blackberry KEYone, đây là sự tiếp nối rõ nét của các khuôn mẫu trước với màn hình khiêm tốn 4,5” đi kèm với bàn phím vật lý quen thuộc.

Đó là một vấn đề, bởi hiện nay không ai còn quan tâm đến bàn phím vật lý nữa, thất bại của chiếc Passport hay Priv trước đó là một minh chứng. Chưa kể, việc chỉ được trang bị chíp Snapdragon 625 cũng đã khiến nhiều người thất vọng. Trong khi đó, Galaxy S8 đã được Samsung trang bị chíp Snapdragon 835.

CEO của TCL, Nicolas Zibell nói: “Các nhà sản xuất ô tô phải chọn một động cơ nhất định để tối ưu hóa những trải nghiệm trong tổng thể một chiếc xe; nhà sản xuất điện thoại cũng vậy, họ phải chọn con chíp phù hợp với tổng thể chiếc máy và đề xuất giá của người dùng”.

Còn HMD Global thì tỏ vẻ sốt sắng hơn khi giới thiệu cùng lúc tới bốn thiết bị. Ngoài bộ ba Nokia 6 - 5 - 3 chạy Android của Google thì thiết bị còn lại là Nokia 3310 “mới” lấy cảm hứng từ “cục gạch” 3310 huyền thoại.

Trong số đó, cao cấp nhất là chiếc Nokia 6 với màn hình IPS LCD rộng 5,5" độ phân giải Full HD. Được cài sẵn Android 7.0, chíp Snapdragon 430 với 8 nhân 64 bit, cùng RAM 4 GB và bộ nhớ trong 64 GB.

Với cục gạch 3310 “mới”, đây đơn giản chỉ là một thiết bị mang tính biểu tượng, là “đòn gió” của HMD Global với nhiệm vụ thu hút sự tò mò của khách hàng, qua đó gián tiếp truyền đi thông điệp “Nokia đã trở lại”.

Về cơ bản, HMD Global đã khá chu đáo cho lần tái xuất này của Nokia khi ba thiết bị nhìn chung là hợp thời. Ngoài ra, HMD Global còn hợp tác chặt chẽ với Google để liên tục cập nhật những phần mềm mới với tính bảo mật và dịch vụ tối ưu nhất.

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với Google, bởi dịch vụ của họ là tốt nhất” - ông Pekka Rantala, cựu CEO của Nokia và hiện là Giám đốc tiếp thị mảng di động của HMD Global tự tin cho biết.

Sau giấc ngủ dài, người khổng lồ cần có thời gian thích nghi?

Không bàn đến các yếu tố như cấu hình, thiết kế, giá cả... việc chọn Trung Quốc làm thị trường độc quyền phân phối Nokia 6 của HMD Global có thể là một quyết định sai lầm.

Từ lâu các dịch vụ của Google đã bị cấm ở Trung Quốc, vậy, HMD Global sẽ tiếp thị sản phẩm của mình ra sao khi không có dịch vụ tốt nhất? Có thể, sẽ có những điều chỉnh nhỏ, nhưng như thế liệu Nokia 6 có còn nguyên giá trị?

Nokia 6 rất khó được người Trung Quốc chào đón vì từ lâu họ đã quá quen với các sản phẩm từ bình dân cho đến cao cấp của “gà nhà” như Xiaomi, Huawei, Oppo, Vivo... Còn nếu muốn một “cục gạch” thì họ chỉ cần bỏ ra 100 NDT là có hàng chục sản phẩm để lựa chọn.

Năm 2016, lần đầu tiên sau 5 năm, smartphone của Apple không còn là thiết bị bán chạy nhất trong năm tại trị trường Trung Quốc. Với 17 triệu thiết bị bán ra, Oppo R9 chứ không phải iPhone 6S mới là chiếc điện thoại số 1 ở đây. Tiếp nữa, tổng số các lô hàng điện thoại di động mà thị trường này tiếp nhận trong cùng năm là 465 triệu chiếc. Riêng Oppo đạt mức tăng đến 109%, Vivo 78% và Huawei là 21%. Ngược lại, các lô hàng của Apple đã giảm 21% so với năm 2015.

Dẫn số liệu trên để thấy, một tên tuổi lẫy lừng như Apple với chiếc iPhone được hàng triệu người hâm mộ còn đang đánh mất mình tại Trung Quốc thì HMD Global với Nokia mong chờ gì?

Đó mới chỉ thị trường Trung Quốc, còn nếu tính rộng ra thì Nokia và Blackberry còn phải đối đầu với nhiều thách thức hơn nữa đến từ những tên tuổi như: Sony, LG hay HTC.

Kịch bản thực tế hơn cho hai thương hiệu này là đánh vào những thị trường mới nổi như Đông Nam Á, châu Phi hay Nam Mỹ. Indonesia là một ví dụ, theo Công ty nghiên cứu IDC, một bộ phận người dùng di động ở đây hiện vẫn đang dùng BBM (BlackBerry Messenger) và đây chính là điều mà CEO của TCL quan tâm. Ông nói: “Thị trường luôn đòi hỏi nhiều hơn một giải pháp để phù hợp với tất cả mọi người”.

Bộ tứ thiết bị mang sứ mệnh tiên phong vực dậy tên tuổi Nokia của HMD Global.

Sức ép có thể “giết chết” hai gã khổng lồ một lần nữa

TGĐ mảng di động của Blackberry Bruce Walpole nói rằng, chỉ cần một trong số tám khách hàng chọn mua “Dâu đen” thì đó đã là một thành công.

Qua phát biểu trên có thể thấy TCL khá bình tĩnh trong chiến dịch này. Bởi dù sao, ngoài Blackberry thì họ vẫn còn sở hữu thương hiệu di động Alcatel, bên cạnh đó là TV TCL.

Ngược lại, tuy là công ty nhỏ, nhưng HMD Global lại mang một trọng trách lớn. Với họ, thành công không chỉ là việc kiếm tiền hay khôi phục lại di sản của Nokia mà đó còn là vì niềm tự hào quốc gia.

“Nokia từng là niềm tự hào của người Phần Lan. Chúng tôi muốn đưa thương hiệu này trở lại để cho tất cả thấy, vì sao Phần Lan từng là thủ đô di động của thế giới” - Rantala nói.

Tuy cùng một mục đích, nhưng rõ ràng sức ép với HMD Global và Nokia lớn hơn nhiều. Điều này cũng giải thích vì sao chọ tung ra cùng lúc đến bốn thiết bị, trong khi TCL chỉ có một.

Sức ép sẽ tạo ra động lực, nhưng nó cũng là một mối nguy có thể phá hủy tất cả. Cứ nhìn tấm gương của Bphone thì rõ, ra mắt rầm rộ với tuyên bố của CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng “Đẹp, cá tính hơn iPhone 6”. Tuy nhiên, tuyên bố này sau đó vô tình tạo nên sức ép lớn khiến Bphone mất hút khi hầu hết người Việt còn chưa được nhìn tận mắt, sờ tận tay!

Vào lúc này, chỉ cần một con tính sai của HMD Global và TCL thì Nokia và Blackberry khó có thể tỉnh dậy!

HMD Global và TCL phải hiểu rằng, người tiêu dùng trong quá khứ yêu Nokia và Blackberry ra sao thì hiện tại họ cũng yêu Apple và Samsung như vậy! Nhìn cách mà người tiêu dùng đắn đo không muốn trả lại chiếc Galaxy Note 7 “cháy nổ” thì hiểu.

Đánh bại Apple và Samsung vào lúc này là không thể, nếu không muốn nói là bất khả thi. Theo quan điểm người viết, cái đích cho Nokia và Blackberry phấn đấu chính là dần chiếm lại sự tin tưởng của người tiêu dùng.

 Minh Luân

 

 
Nên đọc