Cụ thể, trong tổng số 51,49 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính từ đầu năm tới nay, có 28,35 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020); 16,40 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17,5%) và 6,74 nghìn doanh nghiệp đã giải thể và chấm dứt tồn tại (tăng 32,2%).
Đáng chú ý, các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể, chấm dứt tồn tại đa phần đều là những doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ. “Đây là đối tượng rất dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Báo cáo tình hình đăng ký kinh doanh tháng 4/2021 và 4 tháng cho thấy, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng chiếm 91,4% (với 25,92 nghìn doanh nghiệp); tiếp đến là ở quy mô từ 10 - 20 tỷ đồng chiếm 4,8% (1,37 nghìn doanh nghiệp); từ 20 - 50 tỷ đồng chiếm 2,3% (664 doanh nghiệp); từ 50 - 100 tỷ đồng chiếm 0,8% (230 doanh nghiệp) và quy mô trên 100 tỷ đồng chiếm 0,6% (170 doanh nghiệp).
Phần lớn doanh này có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu là các doanh nghiệp có thời gian hoạt động từ 0-5 năm với 14,94 nghìn doanh nghiệp (chiếm 52,7%); 7,28 nghìn doanh nghiệp hoạt động từ 5-10 năm (chiếm 25,7%) và 6,13 nghìn doanh nghiệp hoạt động trên 10 năm (chiếm 21,6%).
Tương tự, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể cũng tăng ở 4/5 quy mô vốn và tập trung chủ yếu ở quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng với 14.822 doanh nghiệp, chiếm 90,4%. Số doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại với quy mô vốn từ 0 – 10 tỷ đồng cũng chiếm 89,3%.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tập trung chủ yếu ở nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ và thời gian hoạt động ngắn là do nhiều doanh nghiệp vẫn chọn giải pháp tiếp tục chờ đợi, tạm ngừng hoạt động để nghe ngóng, xem xét diễn biến của thị trường, tìm kiếm những ý tưởng, hướng đi mới hoặc chờ đợi triển khai các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, rồi mới quyết định tiếp tục kinh doanh hay giải thể doanh nghiệp, chưa “đóng cửa” doanh nghiệp hoàn toàn ở thời điểm này.
Ngoài ra, tháng 4 cũng là thời điểm các doanh nghiệp hoàn thành việc quyết toán và nộp báo cáo tài chính nên nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trước đó đã hoàn tất thủ tục để chuyển sang tình trạng chờ giải thể. Điều này cũng gây ảnh hưởng tới số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát tại Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 công bố ngày 10/4/2021 do VCCI thực hiện, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực trên diện rộng lên toàn bộ hoạt động doanh nghiệp với hơn 87% doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI, cho biết họ gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh trong năm 2020.
Hồng Liên