Nhiều kỳ vọng vào xuất khẩu tôm

(CL&CS) - Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, xuất khẩu tôm đang tiếp tục thuận lợi và dự báo tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD do nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19.

Mục tiêu 4,4 tỷ USD

Theo Vasep, ngành thủy sản hướng đến mục tiêu xuất khẩu 9,4 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, xuất khẩu tôm đang tiếp tục thuận lợi và dự báo tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD do nhu cầu trên thế giới vẫn đang tăng lên trong khi nhiều nước sản xuất vẫn đang gặp khó khăn vì Covid-19.

Tôm là mặt hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam, hàng năm đóng góp hơn 40% kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Năm 2020, ước kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2020 đạt 3,697 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2019.

Vasep cũng nhận định, năm 2020 là năm thành công đối với ngành tôm khi đã tận dụng tốt lợi thế từ FTA song phương và đa phương ở những thị trường lớn để duy trì và tăng thị phần trong bối cảnh nguồn cung và nhu cầu nhập khẩu tôm thế giới chịu tác động lớn từ Covid-19”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đã tích cực, chủ động xoay chuyển thị trường, tận dụng cơ hội từ những thay đổi tạo ra trên thị trường do dịch bệnh Covid-19, đa dạng hóa các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc khác nhau.

Trong bối cảnh đó, con tôm Việt Nam vẫn thẳng tiến tới các thị trường Mỹ, EU, Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thụy Sỹ, với giá trị bật tăng so với năm 2019. Riêng xuất sang Mỹ đạt 81.400 tấn, trị giá 866,6 triệu USD, tăng 29,41% về lượng và tăng 32,88% về trị giá.

Theo Vasep thì để đạt mục tiêu năm 2021, các doanh nghiệp cần tập trung bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đủ về lượng và bảo đảm về chất, nhất là khâu nuôi trồng bằng cách ứng dụng các khoa học - công nghệ mới. Ảnh: Công thương

Doanh nghiệp nâng cao năng lực

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nhận định, việc tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu được thuận lợi hơn.

Theo Vasep thì để đạt mục tiêu năm 2021, các doanh nghiệp cần tập trung bảo đảm nguồn cung nguyên liệu đủ về lượng và bảo đảm về chất, nhất là khâu nuôi trồng bằng cách ứng dụng các khoa học - công nghệ mới.  

Tận dụng tốt cơ hội mở rộng thị trường thông qua tăng khả năng cung ứng để bù đắp sản lượng thiếu hụt do các quốc gia cung ứng khác đang chịu tác động tiêu cực do dịch Covid-19 ảnh hưởng sản xuất và chuỗi cung ứng xuất khẩu; tăng năng lực cạnh tranh và thị phần ở các thị trường lớn và chiến lược như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh…

Cùng với đó, các doanh nghiệp tập trung đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu. Coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, cần tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng cao trong xuất khẩu.

Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại để đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá, tìm kiếm thêm thị trường mới và hướng đến xuất khẩu bền vững.

TIN LIÊN QUAN