Theo ghi nhận của VARS, Hà Nội ghi nhận một số dự án "đắp chiếu" nhiều năm mở bán trở lại. Gần đây, một số sàn giao dịch bất động sản rục rịch giới thiệu trở lại một dự án tại quận Hoàng Mai sau hơn một năm dừng xây dựng. Dự án này từng mở bán cách đây hai năm, với giá khoảng 40-45 triệu đồng một m2.
Đầu năm 2023, chủ đầu tư dự án này đưa ra chiết khấu lên đến 38% khi khách thanh toán sớm 95% giá trị căn hộ, tương đương người mua được giảm 1-3 tỷ đồng tùy căn. Sau đó, dự án dừng khởi công.
Một dự án khác là QMS Top Tower cũng được "hồi sinh" sau 4 năm bất động. Dự án từng được cất nóc vào tháng 4/2020 với giỏ hàng 490 căn, giá khoảng 35 triệu đồng một m2. Hồi tháng 8, chủ đầu tư thông báo mở bán trở lại, giá cũng tăng gấp đôi, lên 65-75 triệu đồng một m2.
Theo VARS, việc một số chủ đầu tư tái khởi động dự án bị bỏ hoang là dấu hiệu tích cực của thị trường. Thực tế này cho thấy kỳ vọng tháo gỡ ách tắc sau khi 3 luật liên quan bất động sản (Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản) có hiệu lực từ ngày 1/8. Nếu được "hồi sinh" thành công, những dự án này không chỉ mang đến cơ hội duy trì hoạt động kinh doanh cho chủ đầu tư, góp phần giải cơn khát về nhà ở.
Tuy nhiên, việc tái khởi động thành công các dự án đình trệ nhiều năm không đơn giản. Hội Môi giới cho biết giá bán tăng cao trong khi chất lượng không được nâng cấp khiến nhiều dự án nhanh chóng "im hơi lặng tiếng".
Việc các "ông lớn" bất động sản đồng loạt tái khởi động các dự án lớn trong bối cảnh giá nhà chung cư liên tục tăng cao đang thu hút sự quan tâm lớn của thị trường. Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, mặc dù giá nhà tăng nhưng giao dịch thực tế lại khá trầm lắng. Nguyên nhân chính được cho là do giá nhà hiện tại đang quá cao so với thu nhập của người dân, trong khi kinh tế khó khăn và thu nhập chưa có dấu hiệu cải thiện.
Theo TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, các dự án bất động sản "đắp chiếu" đang dần hồi sinh nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả Nhà nước và doanh nghiệp. Chính phủ đã liên tục ban hành các chính sách hỗ trợ, như giảm thuế, nới lỏng điều kiện vay vốn và đặc biệt là việc ban hành bộ ba luật quan trọng về đất đai, nhà ở và kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, áp lực từ quy định mới về thu hồi đất đối với các dự án "án binh bất động" cũng thúc đẩy các chủ đầu tư nhanh chóng tìm kiếm giải pháp để tái khởi động. Song song đó, hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) dự án giữa các doanh nghiệp cũng đang diễn ra sôi động, góp phần giải quyết tình trạng "đắp chiếu" này.
"Việc tái khởi động các dự án bất động sản từng "đắp chiếu" được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để vực dậy thị trường. Tuy nhiên, con đường hồi sinh của những dự án này không hề bằng phẳng. Bên cạnh những rào cản pháp lý đã được nỗ lực tháo gỡ, áp lực tài chính đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các chủ đầu tư phải đối mặt. Nhiều dự án, dù đã được "hồi sinh", vẫn không thể thành công do thiếu vốn để tiếp tục triển khai", TS. Nguyễn Văn Đính chia sẻ.