Giá thép tăng liên tục ảnh hưởng đến các công ty xây dựng. |
Phó giám đốc một công ty xây dựng cho biết phải liên tục gọi điện cho các công trường để kiểm tra tình hình nhập nguyên vật liệu. Giá thép tăng chóng mặt khiến nhiều dự án của công ty ông có nguy cơ lỗ nặng.
Nhà thầu bị ảnh hưởng
Theo vị phó giám đốc trên, tại một dự án hạ tầng giao thông ở khu Đông TP.HCM mà công ty nhận xây dựng, giá thép chào thầu (đã tính các chi phí) khoảng 13-13,5 triệu đồng/tấn, trong khi hiện nay riêng thép bán ra tại các nhà máy đã lên hơn 14 triệu đồng/tấn. Nếu tính cả phí vận chuyển, nhân công... chúng tôi phải chi ra thêm gần 2 triệu đồng/tấn để bù lỗ.
Kỹ sư Nguyễn Văn Công, phụ trách mảng vật liệu của một công ty xây dựng tại khu Nam Sài Gòn, đánh giá với tốc độ tăng giá thép như hiện nay, các dự án chỉ định thầu còn "dễ thở" vì có thể xin điều chỉnh hợp đồng. Với các công trình đã đấu thầu, muốn có lãi nhà đầu tư phải bù chéo giá các nguyên liệu, thậm chí phải tính chuyện nhập thép giá rẻ và như vậy chất lượng công trình sẽ bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, các chuyên gia về vật liệu xây dựng cho rằng, việc điều chỉnh dự toán chỉ là giải pháp tình thế bởi các nhà thầu và chủ đầu tư không thể suốt ngày tính toán, thương lượng giá vật liệu. Ở những công trình lớn, ngân sách Nhà nước cũng không thể bù chênh lệch mãi nếu giá sắt thép liên tục leo thang. Cho nên, vấn đề mấu chốt là phải có những tác động để hạ giá thép xây dựng.
Ghi nhận thực tế cho thấy, giá sắt thép liên tục tăng trong những ngày gần đây đã tác động ngay lập tức đến việc xây dựng, sửa chữa nhà của người dân. Anh Hiệu đang xây dựng một căn nhà phố tại Q.Gò Vấp (TP.HCM) cho biết giá sắt thép tăng đã làm gia đình anh mất thêm 30 triệu đồng so với dự toán ban đầu. Không những vậy, việc mua sắt thép cũng gặp nhiều khó khăn. Thấy giá tăng mạnh, các cửa hàng vật liệu xây dựng không ký đơn hàng lớn mà chỉ bán lẻ hàng ngày. “Họ giải thích rằng giá hôm nay khác ngày mai nên không bán số lượng lớn” - anh Hiệu ngán ngẩm nói.
Đại diện Công ty Địa ốc Hưng Thịnh cho biết hiện công ty ông đang là chủ đầu tư cũng là nhà thầu xây dựng cùng lúc 11 dự án bất động sản. Chỉ riêng tiền sắt thép tăng giá, công ty phải bù lỗ hàng chục tỷ đồng trong khi giá bán đã ký hợp đồng với khách hàng nên không thể điều chỉnh tăng. Dự án vẫn phải tiếp tục mua sắt thép để bảo đảm tiến độ công trình, nếu giá tiếp tục tăng như hiện nay, chắc doanh nghiệp phải tính đến phương án tìm nguồn cung từ đối tác nước ngoài chứ không thể mua thép trong nước nữa.
Dự báo tăng cao chưa dấu hiệu dừng
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết vào cuối tháng 7, Chính phủ Trung Quốc đã thắt chặt hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó ra lệnh đóng cửa các mỏ chì không đủ tiêu chuẩn. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn cung than điện cực chì, một nguyên liệu dùng trong sản xuất thép bằng lò điện, mặc dù có hệ số rất nhỏ 0,007 tấn/1 tấn thép nhưng cũng chiếm khoảng 10% giá thành sản xuất theo công nghệ EAF. Giá than điện cực chì đã tăng tới 4 lần trong quý 2 tại thị trường Trung Quốc.
Trong báo cáo của VSA công bố vào tháng 7 cũng dự báo giá phôi sẽ ở mức cao, lên tới 10,7 triệu đồng/tấn, tương đương với giá thép thành phẩm. Thậm chí, thiếu than điện cực trong thời gian dài sẽ dẫn tới khả năng gián đoạn hoạt động. Thị trường thép sẽ thiếu hụt nguồn cung phôi và thép thành phẩm, đặc biệt là khu vực phía Nam khi hầu hết các nhà máy thép đều sử dụng công nghệ EAF này.
Trong khi tại thị trường Việt Nam, nhu cầu thép xây dựng vẫn đang diễn biến theo hướng tích cực. Tổng tiêu thụ của các doanh nghiệp thành viên VSA tháng 7 đạt hơn 900.000 tấn, cao thứ hai trong vòng 3 năm gần đây, chỉ thấp hơn tháng 3/2016 khi thuế chống bán phá giá phôi thép và thép xây dựng bắt đầu có hiệu lực.
Cũng theo VSA, trong tháng 7, các nhà máy thép đã tăng giá 3-4 lần với mức tăng tới 6,7%-8,2% chỉ trong vòng một tháng. Trong điều kiện giá phôi thép đang bật tăng mạnh trong những ngày đầu tháng 8, giá thép được dự báo vẫn có thể tăng mạnh hơn nữa.
Công ty thép thắng lớn Theo báo cáo vừa công bố của Công ty Thép Hòa Phát, tháng 8 vừa qua, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng khá cao dù đang vào mùa thấp điểm. Theo đó, tổng lượng thép xây dựng công ty này bán ra thị trường là 192.600 tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước và duy trì thị phần dẫn đầu với xấp xỉ 24%. Lũy kế 8 tháng, công ty này đã tiêu thụ hơn 1,4 triệu tấn thép xây dựng các loại, tăng 32,3% so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát tăng khoảng 9 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, tháng 8/2017, Hòa Phát xuất khẩu 116.000 tấn, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt gần 12.000 tấn. Ngoài thép xây dựng, thép cuộn rút dây, Hòa Phát còn xuất khẩu khoảng 27.000 tấn phôi thép từ đầu năm đến nay. Công ty Thép Pomina, giá thép xây dựng đã tăng 1 triệu đồng/tấn, lên 14 triệu đồng/tấn tại nhà máy. Pomina bán ra bình quân 100 tấn thép/tháng thì 30% là xuất khẩu. |
Nguyên Vũ