Ngành nông nghiệp Việt Nam: Chất lượng nông sản sẽ chinh phục và mở rộng thị trường

(CL&CS) - Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của đất nước, cả trong quá khứ, hiện tại, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nâng cao giá trị mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam

Việc xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản nói chung và chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu nói riêng sẽ góp phần nâng cao giá trị mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, là cơ sở tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp phát triển đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

 Chất lượng nông sản Việt Nam sẽ chinh phục và mở rộng thị trường

Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu và rộng hơn, việc đang đàm phán, ký kết, thực thi gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA), có tác động không nhỏ đến phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng nhờ thị trường nông sản tiếp tục được mở rộng.

Vị thế của ngành nông nghiệp chắc chắn sẽ được nâng cao hơn nhờ có thêm cơ hội tham gia chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Chất lượng nông sản sẽ chinh phục và mở rộng thị trường, ở đó chứa đựng hình hài, tầm vóc và vị thế của văn hóa Việt Nam, chứa đựng sức mạnh nội tại của dân tộc Việt Nam.

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng năm 2024 của Việt Nam được duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu, đặc biệt ở những loại cây trồng chủ lực, như: lúa, trái cây, tiêu, điều… Diện tích rừng trồng mới và thu hoạch gỗ tăng cao do hoạt động xuất khẩu gỗ khởi sắc, giá gỗ nguyên liệu tăng…

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, sản xuất nông nghiệp 6 tháng năm 2024 duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Lúa đông xuân năm nay được mùa, được giá; cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng do nhu cầu xuất khẩu tăng cao.

Chăn nuôi phát triển ổn định với sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá, dịch bệnh được kiểm soát. Diện tích rừng trồng mới và thu hoạch gỗ tăng cao do hoạt động xuất khẩu gỗ khởi sắc, giá gỗ nguyên liệu tăng. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá.

Tổng cục Thống kê cho biết diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm 2024 đạt 2.954,0 nghìn ha, tăng 1,2 nghìn ha so với vụ đông xuân năm 2023. Năng suất lúa đông xuân của cả nước ước đạt 68,8 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân năm trước.

Trong đó, các địa phương phía Bắc đạt 64,8 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; các địa phương phía Nam đạt 71,1 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha. Sản lượng lúa vụ đông xuân năm nay ước đạt 20,32 triệu tấn, tăng 132,5 nghìn tấn so với vụ đông xuân năm trước. Trong đó, miền Bắc đạt 6,86 triệu tấn, tăng 2,8 nghìn tấn; miền Nam đạt 13,46 triệu tấn, tăng 129,7 nghìn tấn.

Cùng với việc thu hoạch vụ đông xuân, tính đến trung tuần tháng 6/2024, các địa phương trên cả nước đã xuống giống được 1.825,4 nghìn ha lúa hè thu, bằng 98,3% cùng kỳ năm trước. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.419,3 nghìn ha, bằng 97,8%.

Nguyên nhân diện tích gieo trồng lúa hè thu giảm so cùng kỳ do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng, mưa đến muộn, thiếu nước tưới nên tiến độ xuống giống muộn. Hiện lúa hè thu các địa phương phía Nam đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng đến trỗ chín, các trà lúa phát triển tương đối tốt. Đến nay, có 196,0 nghìn ha lúa hè thu sớm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thu hoạch, bằng 84,0% cùng kỳ năm trước.

Đối với cây hoa màu, diện tích ngô, lạc và đậu tương tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao; diện tích gieo trồng rau, đậu các loại giảm do thời tiết nắng nóng kéo dài.

Hiện tại nhóm cây ăn quả đạt 1.271,1 nghìn ha trên cả nước, tăng 2,6% so với cuối tháng 6/2023, do được chuyển đổi từ những diện tích hoa màu. Một số loại cây có diện tích tăng: Sầu riêng đạt 153,9 nghìn ha, tăng 17,4%; chanh leo đạt 12,6 nghìn ha, tăng 9,3%; ổi đạt 27,2 nghìn ha, tăng 5,6%...  

Trong quý 2/2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước như: Xoài đạt 440,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 206,1 nghìn tấn, tăng 1,8%; sầu riêng đạt 343,3 nghìn tấn, tăng 17,6%; nhãn đạt 111,9 nghìn tấn, tăng 9,4%. Riêng sản lượng vải năm nay thấp hơn cùng kỳ năm trước do mưa nhiều tại thời điểm cây ra hoa nên ảnh hưởng đến việc kết trái, sản lượng chỉ đạt 134,3 nghìn tấn, giảm 17,7% so cùng kỳ năm trước.

Nhóm cây công nghiệp đạt 2.183,0 nghìn ha, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục xu hướng giảm do những năm gần đây giá bán sản phẩm thấp, khó tiêu thụ, lợi nhuận không đạt kỳ vọng nên người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả.

Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng một số cây ăn quả tăng so với cùng kỳ năm trước: Xoài đạt 629,4 nghìn tấn, tăng 2,3%; cam đạt 519,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; sầu riêng đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 20,3%; mít đạt 405,8 nghìn tấn, tăng 4,2%; nhãn đạt 199,6 nghìn tấn, tăng 2,9%; ổi đạt 201,4 nghìn tấn, tăng 5,9%; chanh leo đạt 79,4 nghìn tấn, tăng 3,5%. Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm: Chè búp đạt 522,9 nghìn tấn, tăng 2,4%; cao su đạt 410,7 nghìn tấn, tăng 2,0%; hồ tiêu đạt 238,2 nghìn tấn, tăng 2,3%; điều đạt 330,3 nghìn tấn, giảm 5,2%.

Trong quý 2/2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 90,8 nghìn ha, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, số cây lâm nghiệp trồng phân tán trồng 21 triệu cây, tăng 2,1%. Sản lượng gỗ khai thác trong quý 2 ước đạt 6.261,1 nghìn m3, tăng 7,3%.

Tính chung 6 tháng năm 2024, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 128,5 nghìn ha, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 44,6 triệu cây, tăng 2,9%. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước thu hoạch 9.928,4 nghìn m3 gỗ, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, do hoạt động xuất khẩu sản phẩm gỗ có nhiều khởi sắc từ đầu năm, giá gỗ nguyên liệu tăng nên người dân đẩy mạnh khai thác gỗ đến tuổi thu hoạch.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản quý 2/2024 ước đạt 2.439,5 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm: Cá đạt 1.727,1 nghìn tấn, tăng 2,8%; tôm đạt 366,6 nghìn tấn, tăng 4,1%; thủy sản khác đạt 345,8 nghìn tấn, tăng 2,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản thu hoạch cả nước ước đạt 4.384,7 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 3.172,3 nghìn tấn, tăng 2,6%; tôm đạt 559,7 nghìn tấn, tăng 4,0%; thủy sản khác đạt 652,7 nghìn tấn, tăng 2,1%.

Trong quý 2/2024, sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.364,3 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 884,1 nghìn tấn, tăng 3,9%; tôm đạt 326,8 nghìn tấn, tăng 4,4%.

Xuất khẩu thủy sản đã có những dấu hiệu phục hồi trở lại, nhất là trong quý 2/2024, nên người dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 2.431,4 nghìn tấn, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Cá đạt 1.656,7 nghìn tấn, tăng 4,0%; tôm đạt 487,7 nghìn tấn, tăng 4,5%; thủy sản khác đạt 287,0 nghìn tấn, tăng 4,0%.

Tính chung 6 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 1.953,3 nghìn tấn, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Cá đạt 1.515,6 nghìn tấn, tăng 1,1%; tôm đạt 72,1 nghìn tấn, tăng 0,9%; thủy sản khác đạt 365,6 nghìn tấn, tăng 0,7%.

Vấn đề đặt ra và giải pháp phát triển chuỗi nông sản Việt Nam trong thời gian tới

Các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam có tính đa dạng cao thể hiện trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Từng nhóm ngành đang có sự tăng trưởng về số lượng, chất lượng, hướng dần đến tăng trưởng xanh.

Nông nghiệp Việt Nam đang chuyển từ sản lượng sang chất lượng, giá trị và tăng trưởng xanh với hệ thống nông sản phong phú, đa dạng. Việt Nam có thể sản xuất nhiều loại nông sản đa dạng, đặc biệt đa dạng về trái cây nhiệt đới và đang dần hình thành các hệ sinh thái cho chuỗi giá trị nông nghiệp. Trọng tâm phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là thúc đẩy chuyển đổi bao trùm, phát triển xanh, phát thải thấp. Cải thiện hệ thống logistics và phân phối, cải thiện môi trường kinh doanh đi cùng với chia sẻ thông tin, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

Việt Nam luôn mong muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo dựng môi trường, hệ sinh thái số nông nghiệp, làm nền móng, kiến tạo thể chế, thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hiện đại và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh cơ hội mở ra, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đã, đang và sẽ chịu không ít thách thứcBiến đổi khí hậu là thách thức vô cùng to lớn trong việc sử dụng tài nguyên nước, đất và sinh học. Bên cạnh đó, các dịch bệnh diễn biến bất thường, khó kiểm soát; căng thẳng thương mại, các xung đột địa - chính trị, xung đột tôn giáo, văn hóa khó lường;... Một số nước gắn việc nhập khẩu nông sản với chủ nghĩa bảo hộ, với hàng rào phi thuế quan, biện pháp phòng vệ thương mại tinh vi; cạnh tranh thị trường ngày càng trở nên gay gắt hơn, trong khi khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều hạn chế...

Để cơ cấu lại ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới, gắn với Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”...; Chúng ta cần đặt phát triển nông nghiệp trong dòng chảy của đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn; trong đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tầm quan trọng của nông nghiệp và lợi thế nông nghiệp của Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội, nhất là các cơ quan quản trị quốc gia, cá nhân có vai trò trong hoạch định chính sách và người nông dân, nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn về tầm quan trọng của nông nghiệp trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội.  

Thứ hai, đổi mới mô hình tăng trưởng, gắn kết hữu cơ giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị và nông thôn; tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Việc cơ cấu lại nông nghiệp cần tập trung mạnh vào cơ cấu lại đầu tư công và dịch vụ công, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành có hiệu quả và bền vững các chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, miền, từng địa phương, từng ngành hàng; tiếp tục tập trung đầu tư vào kết cấu hạ tầng; nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ sau thu hoạch, chế biến và chế biến sâu nông sản.

Thứ ba, gắn kết hữu cơ giữa phát triển đô thị và phát triển nông thôn, giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Công nghiệp hóa, đô thị hóa là tất yếu, tuy nhiên thời gian qua, mô hình tăng trưởng dựa vào các cực phát triển chưa gắn kết chặt chẽ giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp, nên khoảng cách nông thôn - thành thị, nông nghiệp- công nghiệp, nông dân - thị dân, giàu - nghèo, miền xuôi - miền ngược đang doãng ra.

Thứ tư, thực hiện quy hoạch nông nghiệp “thông minh” hướng tới thị trường mở. Không nên cố định diện tích lúa, nhưng cần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và phải bảo tồn được diện tích đất nông nghiệp. Trước khi thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị, cần thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp cho cả mục tiêu ngắn hạn (10 - 20 năm), trung hạn (20 - 30 năm) và dài hạn (50 hay 100 năm), để có chiến lược bảo tồn và sử dụng đất nông nghiệp thiết thực và hiệu quả.

Thứ năm, xây dựng và phát triển tầng lớp nông dân mới. Nông nghiệp thời hội nhập cần có đội ngũ những người nông dân mới, với “chân dung” và “gương mặt” mới. Do đó, nhất thiết phải đầu tư phát triển nhân lực nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn “cửa sổ vàng” tuổi dân số còn mở, để nông dân Việt Nam thực sự là những người lao động nông nghiệp chuyên nghiệp, làm nông nghiệp là kinh doanh nông nghiệp, làm nông nghiệp là một nghề, bình đẳng và cao quý như tất cả nghề khác...

Thứ sáu, Nhà nước cần thực sự đóng vai trò kiến tạo trong quá trình chuyển đổi sâu rộng nông nghiệp và nông thôn, mấu chốt là cải thiện đầu tư công và cải thiện dịch vụ công trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nhà nước tập trung vào các hoạt động quản lý vĩ mô, như xây dựng chiến lược, ban hành chính sách, đàm phán pháp lý, hỗ trợ phát triển thị trường, tập trung vào cung cấp các dịch vụ công mà hộ nông dân chưa thể tự đảm đương được; không can thiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tìm kiếm lợi nhuận,... Thông qua các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp và liên minh hợp tác xã và hội nông dân, Nhà nước giao các hoạt động này cho tư nhân và nông dân...

Thứ bảy, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bằng các hình thức hợp tác, tổ chức liên kết, có sự tham gia sâu rộng của doanh nghiệp, trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp và hiệu quả, áp dụng chính sách hỗ trợ đột phá để khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác nhằm phát triển hợp tác xã theo hướng hình thành chuỗi giá trị nông sản hàng hóa, trong đó hợp tác xã là một tác nhân trong chuỗi, giữ vai trò quy tụ nhiều nông dân nhỏ để “làm bạn” với doanh nghiệp lớn; từ đó, hình thành các hiệp hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn lao động nông thôn...

Thứ tám, đặc biệt quan tâm đến phát triển thị trường, chú trọng đến thị trường 100 triệu dân trong nước, với tầng lớp trung lưu lên đến cả chục triệu người. Dần hình thành văn hóa: Nông sản nào ngon, quý, chất lượng nhất thì ưu tiên để dân trong nước tiêu dùng...

Thứ chín, ưu tiên ứng dụng công nghệ 4.0, nhất là các công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp ở các khâu then chốt, có thể làm ngay, như truy xuất nguồn gốc, giao dịch và tiêu thụ nông sản,... Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng. Đây là vấn đề quan trọng để người Việt Nam làm chủ các công nghệ nguồn, các bài toán lõi, làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giá trị gia tăng của nông sản...

Thứ mười, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường và một số vấn đề khác. Môi trường nông thôn không chỉ là môi trường sống cho cư dân, mà còn là môi trường tạo ra niềm tin của chất lượng nông sản, môi trường cho sức mạnh cạnh tranh của nông phẩm, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông sản Việt Nam, tạo ra năng suất lao động cao của nghề nông,... Từ đó, xây dựng và phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro và các loại dịch bệnh. Cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo từ xa, quản lý và ứng phó rủi ro liên quan đến thời tiết và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh, gắn kết hệ thống này với dịch vụ tư vấn nông nghiệp...

TIN LIÊN QUAN