6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách ước đạt hơn 13 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày, túi xách ước đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2021. Mức tăng trưởng này gần tương đương với năm 2019, khi chưa có dịch Covid-19. Nhìn chung, mức độ phục hồi của ngành trong 6 tháng qua khá tốt.
Trao đổi với báo chí, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, mặc dù trong 6 tháng qua đơn hàng đối với ngành da giày khá ổn định, song cũng gặp phải khó khăn rất lớn đó là nguồn cung nguyên phụ liệu bị hạn chế và gián đoạn, bởi nguồn nguyên phụ liệu chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc và một số quốc gia khác. Thiếu nguồn lao động cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế kết quả sản xuất kinh doanh của ngành da giày trong 6 tháng vừa qua.
Hiện, các mặt hàng da giày xuất khẩu của Việt Nam hiện có mức giá trung bình vào khoảng 16 USD, được đánh giá trung bình về chất lượng cũng như giá cả trên thị trường thế giới. Bà Xuân đề xuất, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong thời gian tới, ngành da giày xác định cần phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng chất lượng để các mặt hàng xuất khẩu để đạt giá trị cao hơn. Muốn sản xuất và xuất khẩu được những mặt hàng có giá trị cao hơn, ngành da giày cần nguồn nhập khẩu nguyên liệu có giá trị cao.
“Với việc tận dụng tốt thế mạnh từ các Hiệp định thương mại tự do trong xuất khẩu, ngành da giày cũng mong muốn được tạo điều kiện để tận dụng các cơ hội trong nhập khẩu nguyên phụ liệu từ các quốc gia tham gia Hiệp định, đặc biệt như thị trường EU có những nguồn nguyên phụ liệu có giá trị cao để sản xuất các mặt hàng giày dép ở mức độ cao hơn cũng như có thể nhập khẩu được những công nghệ thiết bị mới.
Đặc biệt là trong bối cảnh hiện hiện nay, khi các quốc gia đều phải hướng tới sản xuất bền vững và sử dụng những công nghệ xanh, sạch nên rất cần phải khai thác tiềm năng của các thị trường mới, phục vụ cho đổi mới công nghệ cho các nhà máy sản xuất”, bà Xuân chia sẻ.
Cũng theo bà Xuân, để phát triển bền vững, ngành da giày, túi xách kiến nghị các cấp, ngành sớm hình thành các cụm công nghiệp, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời nhanh chóng có chính sách giúp tận dụng, thu hút các nguồn lao động, nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp da giày, túi xách cũng rất cần được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để tái đầu tư, đẩy mạnh sản xuất; tham gia nhiều hơn vào các chương trình đào tạo, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số để cải thiện năng lực quản trị, kinh doanh…