Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thu hút mạnh đầu tư của Nhật Bản

(NTD) - Hiện ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là ngành quan trọng quyết định giá trị gia tăng. Sự phát triển của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đang tiến bộ dần và thu hút mạnh mẽ đầu tư từ các nước. Với mối quan hệ hỗ tương trong giao thương Việt - Nhật hiện nay, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đang đẩy mạnh tìm kiếm đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam.

Nhật Bản là quốc gia đứng thứ nhất về vốn FDI vào Việt Nam năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018. Số lượng DN Nhật mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam ngày càng tăng cao kéo theo nhu cầu tìm hiểu và tiếp cận thị trường cũng tăng.

Theo Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam, số lượng thành viên hiệp hội đã tăng từ 950 DN (năm 2011) lên 1.772 DN (tính đến hết tháng 2/2018). Con số này đã vượt qua vị trí dẫn đầu của Thái Lan trước đó.

Trao đổi tại cuộc gặp giữa đại diện Việt Nam và Nhật Bản, ông Nguyễn Thế Hưng - Phó GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM - nhận định: Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đổi mới phát triển nên cần học hỏi nhiều từ các nước phát triển mà Nhật Bản là quốc gia phát triển hàng đầu thế giới. Vì thế, việc thu hút đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam. Đồng thời, việc đầu tư này sẽ giúp cải thiện, tăng cường đáng kể năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhận định về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, đại diện Nhật Bản, ông Yoshiyuki Fukuda - Chủ tịch điều hành Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Tokyo - cho biết: Hiện nay Việt Nam đạt tỷ lệ GDP cao nhất trong khối ASEAN (khối tăng trưởng nhanh nhất thế giới). Đồng thời, nguồn lao động trẻ trong khối ngành công nghiệp ngày càng tăng và được đầu tư nâng cao chất lượng tay nghề cũng là những điều kiện thu hút mạnh đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản. Để dễ thu hút đầu tư hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam cần tiến đến đạt các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất.

“Nhiều DNVVN có công nghệ xuất sắc của Tokyo đang có ý định hợp tác với DN Việt Nam bằng cách bán sản phẩm của họ tại thị trường Việt Nam hoặc theo chân các DN Nhật đã phát triển tại Việt Nam trước đó” - ông Fukuda nhấn mạnh.

Đại diện VCCI Việt Nam và Trung tâm DNVVN Tokyo Nhật Bản gặp gỡ xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản vào Việt Nam. (Ảnh: Kim Ngọc).

Ông Masaki Himeno, Chủ tịch Công ty TNHH KeiDen Việt Nam, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 30 triệu USD xây dựng nhà máy tại Việt Nam và hiện cũng đang có nhu cầu tìm đối tác gia công sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Vị này cho biết, yêu cầu khách hàng của công ty ông là tìm đối tác Việt Nam để gia công. Điều này khẳng định chất lượng công nghệ tại Việt Nam ngày càng được nâng cao và đạt sự tin tưởng từ các nhà đầu tư. Đồng thời, giới DN đầu tư Nhật Bản còn chia sẻ, do hiện nay tỷ lệ nội địa hóa của các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam còn thấp hơn của Nhật tại nhiều nước trong khu vực như Thái Lan hay Malaysia. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), khi thực hiện cuộc khảo sát hơn 80 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, có tới 32 doanh nghiệp cho rằng việc cung ứng nguyên vật liệu và các hoạt động kinh tế phụ trợ của Việt Nam rất kém. Vậy nên, các doanh nghiệp FDI rất muốn phối hợp với các nhà cung cấp trong nước để giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, nhưng rất khó có thể tìm được nhà cung cấp thích hợp.

Nhằm đưa ra biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp Nhật trong quá trình tìm kiếm đầu tư tại Việt Nam và nhu cầu hợp tác ngược lại, đại diện Trung tâm hỗ trợ DNVVN Tokyo cho biết, tháng 6/2018 vừa qua đã thành lập Ban hỗ trợ DNVVN Tokyo tại Việt Nam nằm kết nối giao thương cho DN 2 nước, đây cũng là cổng thông tin để doanh nghiệp 2 nước tìm hiểu trực tiếp khi có nhu cầu hợp tác liên kết.

Kim Ngọc

 
Nên đọc