Năng suất lao động quyết định đến chất lượng và hiệu quả của sản xuất
Sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 chỉ tiêu về tốc độ tăng NSLĐ xã hội của Việt Nam đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, tăng 7,09%. Các chuyên gia cho rằng, đây là tiền đề quan trọng và chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc tăng tốc, bứt phá để tiến tới mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% trong năm 2025.
NSLĐ tác động đến sự thay đổi tính chất của nền sản xuất
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, NSLĐ quyết định đến chất lượng và hiệu quả của sản xuất. NSLĐ có ý nghĩa rất quan trọng vì muốn tăng thu nhập, tăng tiền lương thì đều phụ thuộc vào NSLĐ. Nếu NSLĐ ko tăng lên thì không thể tăng được hiệu quả sản xuất, không tăng được tiền lương. Đặc biệt, NSLĐ tác động đến sự thay đổi tính chất của nền sản xuất, chúng ta có vượt qua được bẫy thu nhập trung bình hay không thì phải phụ thuộc vào NSLĐ. Do vậy, NSLĐ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, nó không chỉ quyết định chất lượng, hiệu quả của sản xuất mà còn thay đổi cơ bản các chỉ tiêu cũng như chiêu thức để chúng ta có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, bước vào kỷ nguyên mới, tiến tới tăng trưởng cao để trở thành nước phát triển trong thời gian tới.
TS. Đinh Trọng Thịnh phân tích, năm 2024, NSLĐ tăng 5,88%, vượt mức Quốc hội và Chính phủ đề ra. Đây là năm đầu tiên sau 4 năm chúng ta ko đạt được mục tiêu về tỷ lệ tăng NSLĐ. Tăng NSLĐ trong năm qua chủ yếu là tăng năng suất ở khu vực kinh tế tư nhân và khu vực kinh tế nhà nước. Năng suất của khu vực kinh tế nhà nước tăng là do việc tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước, do đó hầu hết doanh nghiệp nhà nước đều có lãi. Với khu vực kinh tế tư nhân thì không chỉ khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng NSLĐ mà ngay cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước, NSLĐ cũng tăng lên một cách đáng kể. Từ đó làm cho NSLĐ của đất nước tăng lên.
Với mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 đặt ra thách thức lớn, song cũng mở ra cơ hội phát triển đột phá. Nền tảng từ năm 2024 cho thấy dấu hiệu tích cực, với mức tăng trưởng NSLĐ vượt chỉ tiêu. Điều này tạo niềm tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tiến tới mục tiêu đề ra nếu tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và nâng cao năng suất.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, trong năm 2024, tăng trưởng của nền kinh tế tương đối tốt, với mức tăng 7,09%. Tuy nhiên, so với thế giới thì mức tăng trưởng này vẫn là thấp, Việt Nam vẫn ở trong nhóm các nước đang phát triển. Với mức tăng trưởng đạt và vượt chỉ tiêu đều ra, chúng ta vui nhưng không nên “lạc quan thái quá” vì còn phải làm rất nhiều việc nữa để đưa NSLĐ của nền kinh tế đất nước lên mức cao hơn. Việt Nam đã vào nhóm trung bình của các nước có thu nhập trung bình, tới đây có thể vào nhóm cao của các nước có thu nhập trung bình. Tuy vậy vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước trong nhóm cao của nhóm thu nhập trung bình và phải phấn đấu nhiều hơn nữa để có thể đạt được NSLĐ cao cũng như cải thiện GDP bình quân đầu người.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh, tăng trưởng NSLĐ không chỉ nâng cao thu nhập của người lao động mà còn là yếu tố quyết định để Việt Nam tiến xa hơn trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam cần tập trung vào ba giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, ổn định các cân đối vĩ mô: Đảm bảo giá trị VNĐ ổn định so với USD, giữ vững lạm phát trong tầm kiểm soát, từ đó tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất nhập khẩu; Thứ hai, đẩy mạnh số hóa nền kinh tế: Xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông giữa các bộ, ban, ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả quản lý hành chính. Số hóa không chỉ giảm chi phí tiếp cận thông tin mà còn giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thứ ba, cải cách và tinh gọn bộ máy hành chính: Tiếp tục thực hiện tinh giản bộ máy, lựa chọn những nhân sự đủ năng lực và tâm huyết để cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này không chỉ thúc đẩy NSLĐ mà còn tạo động lực phát triển kinh tế bền vững.
Nòng cốt thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất
Thông tin với báo chí, ông Trần Hậu Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia chia sẻ: Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 (Kế hoạch 36).
Nâng cao năng suất lao động, đưa đất nước tiến tới thịnh vượng
Một trong những mục tiêu của Kế hoạch 36 là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm nòng cốt thực hiện các hoạt động cải tiến năng suất, có năng lực phù hợp; đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực thúc đẩy năng suất quốc gia. Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã phối hợp đưa chương trình đào tạo về năng suất chất lượng vào 10 trường đại học, năng suất chất lượng trở thành môn học; đã có các giáo trình chính thức được xây dựng phù hợp với các ngành: kinh tế – quản trị, kỹ thuật, tài chính ngân hàng.
Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ, các chuyên gia năng suất đã tổ chức đào tạo cho 35 trường đại học, cao đẳng kiến thức cơ bản về năng suất, hệ thống quản lý chất lượng và giải pháp nâng cao năng suất cho sinh viên. Trong năm 2024, Ủy ban đã tổ chức quốc thi tìm hiểu kiến thức về năng suất chất lượng cho sinh viên với sự tham gia của 15 trường đại học và cao đẳng, tạo sân chơi cho hoạt động tìm hiểu kiến thức và chia sẻ thông tin giữa các trường đại học, cao đẳng, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo, bồi dưỡng với hoạt động sản suất kinh doanh.
Trong bài viết "Đổi mới, sáng tạo, tăng tốc, bứt phá, đưa đất nước vững bước tiến vào Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá để về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2021-2025, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước.
Để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; ngay từ năm 2025 chúng ta phải nỗ lực tối đa, tạo những yếu tố đột phá thu hút đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% hoặc phấn đấu cao hơn trong điều kiện thuận lợi; trên cơ sở đó tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số từ năm 2026.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Với tính toán thống kê mức tăng trưởng GDP năm 2024 trên 7%, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, từ kết quả đã đạt được trong những năm qua cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào một mức tăng trưởng cao hơn những năm trước đây.
Trong bối cảnh thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất Chính phủ tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản nhằm chủ động và kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế, thực hiện hiệu quả các giải pháp, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống đó chính là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Thực hiện tốt những động lực này sẽ tạo ra những cơ hội tăng trưởng tích cực. Cùng với đó, phải đẩy mạnh thực hiện các động lực tăng trưởng mới.
Nhấn mạnh chỉ tiêu về tốc độ tăng năng suất lao động xã hội sau 3 năm không đạt, đến năm 2024 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương - cho rằng, năng suất lao động là vấn đề cần được đặc biệt quan tâm. Bởi nâng cao năng suất lao động là biện pháp hiệu quả để đạt được sự tăng trưởng nhanh, bền vững và là con đường đưa đất nước tiến tới sự thịnh vượng.
“Đất nước muốn thịnh vượng thì phải tăng năng suất lao động và yếu tố quan trọng để tăng năng suất lao động là nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phù hợp. Vì vậy, theo tôi Chính phủ cần tiếp tục quan tâm hơn để phát triển kỹ năng nghề cho người lao động theo quy mô, số lượng và cơ cấu trình độ, kỹ năng nghề hợp lý, nhằm đảm bảo chỉ tiêu này có tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững trong giai đoạn tới”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh.