Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác tiêu chuẩn hóa

(CL&CS) - Trong năm 2024, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã tổ chức thẩm định 393 TCVN, lập hồ sơ trình Bộ KH&CN công bố 281 TCVN; góp ý 14 dự thảo QCVN của Bộ/ngành, 26 dự thảo QCĐP của địa phương; thẩm định 88 QCVN của Bộ/ngành; tiếp nhận đăng ký 27 QCVN và 07 QCĐP…

Hiện nay, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam đã có hơn 13.500 TCVN, trong đó, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực, đạt trên 62%. Đây là kết quả đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt kết quả vượt bậc trong thập kỷ vừa qua.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) cũng ban hành gần 800 QCVN, trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước, nhằm ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng trước nguy cơ tiềm ẩn. Việc xây dựng và thiết lập hệ thống chuẩn đo lường quốc gia với 31 chuẩn quốc gia được phê duyệt, liên kết với chuẩn quốc tế và thực hiện dẫn xuất chuẩn đến các chuẩn thấp hơn đã đảm bảo thống nhất đo lường trên cả nước, đảm bảo định lượng trong giao nhận hàng hóa và quyền lợi người tiêu dùng, là tiền đề vững chắc để cho mọi ngành, nghề trong cả nước phát triển bền vững.

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất chất lượng, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.

Trong đó, tập trung, lựa chọn xây dựng các TCVN phục vụ mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, kinh tế tuần hoàn… theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hoà với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực; đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế.

Theo TS. Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, trong năm 2024, Ủy ban thực hiện nhiệm vụ là cơ quan đầu mối hướng dẫn, tổng hợp, lập và trình phê duyệt kế hoạch xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện việc xây dựng, soát xét TCVN theo kế hoạch đã được Bộ KH&CN phê duyệt, tham mưu Bộ KH&CN góp ý, thẩm định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) của các Bộ quản lý chuyên ngành. Đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia tham mưu Bộ KH&CN ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về công tác tiêu chuẩn hóa.

Đồng thời, Ủy ban đã tổ chức thẩm định 393 TCVN, lập hồ sơ trình Bộ KH&CN công bố 281 TCVN; góp ý 14 dự thảo QCVN của Bộ/ngành, 26 dự thảo QCĐP của địa phương; thẩm định 88 QCVN của Bộ/ngành; tiếp nhận đăng ký 27 QCVN và 07 QCĐP. Làm thủ tục thành lập mới, thành lập lại, gia hạn hoạt động cho 13 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Đặc biệt, năm 2024 nhằm đưa hoạt động tiêu chuẩn hóa trở thành động lực quan trọng, có vai trò dẫn dắt, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực đổi mới sáng tạo của quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế, Ủy ban đã đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN năm 2024, thẩm định và trình Bộ công bố TCVN 14230:2024 - Dịch vụ du lịch thân thiện với người Hồi giáo. Tiêu chuẩn này đã góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch, thu hút khách du lịch từ các nước Hồi giáo và tiếp tục triển khai Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030.

TIN LIÊN QUAN