Nâng cao chất lượng vùng chuyên canh sầu riêng, tăng năng suất, đạt chuẩn xuất khẩu

(CL&CS) - Sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã áp dụng đồng bộ các giải pháp thâm canh sầu riêng nhằm đạt năng suất, sản lượng cao và chất lượng nông sản hàng hóa cao đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Năng suất, chất lượng sầu riêng luôn đạt cao

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ. 

Nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng

Xuất phát từ mục tiêu trên, trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp để phát triển nền nông nghiệp, đặc biệt là tập trung xây dựng, phát triển và quản lý tốt các vùng trồng nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của nước nhập khẩu. 

Hiện nay, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai đang nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất VietGAP, sản xuất hữu cơ nhằm xây dựng thương hiệu cho sầu riêng, đáp ứng tốt cả thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, huyện Cẩm Mỹ đã hình thành được những vùng chuyên canh sầu riêng với diện tích lớn tập trung tại các xã: Nhân Nghĩa, Xuân Bảo, Bảo Bình, Long Giao, Xuân Quế... Trong đó, toàn huyện đã nhân rộng được hơn 144 hécta sầu riêng đạt chuẩn VietGAP.

Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế hiện có 62 hộ sản xuất với quy mô hơn 88 hécta. Đây là chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ đã được UBND huyện Cẩm Mỹ phê duyệt với tổng sản lượng liên kết đạt gần 1,1 ngàn tấn/năm. Đặc biệt, vườn sầu riêng rộng 3,3 hécta của Tổ trưởng Tổ hợp tác Cây sầu riêng xã Xuân Quế Trần Quang Hiệp đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ vào năm 2023. Đây là mô hình sản xuất sầu riêng được cấp chứng nhận sầu riêng hữu cơ đầu tiên của Đồng Nai.

Vườn sầu riêng đặc sản Dona rộng 5 hécta của gia đình ông Sú Sắng Sau - bà Hứa Chung Anh ở xã Xuân Tây (huyện Cẩm Mỹ) vẫn đạt năng suất cao, chất lượng tốt. Để gầy dựng được vườn sầu riêng đặc sản, sinh trưởng tốt, đạt năng suất cao ngay từ những năm đầu thu hoạch, ông Sú Sắng Sau đã ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ thông minh.

Gia đình ông đã đầu tư đồng bộ về hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ mới. Đây là giải pháp giúp vườn cây không bị ảnh hưởng bởi những đợt nắng nóng, khô hạn trong mùa khô vừa qua. Cụ thể, gia đình ông Sú Sắng Sau đã đầu tư ao trữ nước có mái che, vừa hạn chế tình trạng rong rêu phát triển, vừa giảm bốc hơi nước. Ông cũng đầu tư hệ thống tưới công nghệ mới với nhiều cải tiến, không chỉ đảm bảo tưới nước đẫm hết quanh gốc cây, mà còn gắn béc tưới cao phủ từ trên ngọn cây xuống. Giải pháp này không chỉ tưới giữ mát cho lá để giảm sự ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt, mà còn góp phần rửa được nhiều loại sâu, rầy gây hại cho cây trồng. Đặc biệt, giúp diệt trừ hiệu quả loài nhện đỏ bám trên lá, là loài gây hại rất lớn trên cây sầu riêng.

Toàn bộ vườn, gia đình ông quy hoạch thành từng luống với các cây được trồng với khoảng cách đều nhau. Từng cây sầu riêng được đánh số cụ thể, được tỉa cành, tạo tán tròn đều, vừa tạo ra từng hàng cây đẹp, vừa là giải pháp giúp cây trồng sinh trưởng tốt, tỷ lệ đậu trái cao với chất lượng cao.

Ông Sú Sắng Sau chia sẻ: “Việc đánh số từng cây trồng cụ thể giúp nông dân quản lý tốt hơn vườn cây. Người trồng luôn nắm rõ từng cây trong vườn để giám sát về tốc độ sinh trưởng, phát triển đến việc cây nào xuất hiện sâu bệnh gì để xử lý kịp thời và hiệu quả”. Không chỉ quan tâm chọn được giống ngon, chất lượng cao, gia đình ông còn sản xuất theo quy trình an toàn. Ông ứng dụng lợi khuẩn Probiotic (IMO) và nấm men rượu (MEVI) để tạo ra phân bón hữu cơ, thuốc sinh học từ nguồn rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp, chất thải chăn nuôi… để sản xuất theo hướng hữu cơ.

Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Mỹ Lê Văn Tưởng chia sẻ, hiện 2 giống sầu riêng chủ lực của địa phương là Ri6 và Dona đều bán được giá cao trên thị trường. Sầu riêng được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện. Tuy nhiên, định hướng đến năm 2030, địa phương không phát triển thêm diện tích cây trồng này, mà chú trọng đến nâng cao chất lượng sản phẩm; hình thành mới nhiều chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Địa phương sẽ tăng cường công tác tập huấn, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ để đảm bảo chất lượng hàng hóa khi lưu thông trên thị trường.

Người dân được hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, chuyển đổi sản xuất đạt chuẩn an toàn. Đến nay, các nhà vườn ở khu vực huyện Cẩm Lệ đều sử dụng giống mới, hệ thống tưới nước tự động công nghệ mới, sản xuất đạt chuẩn an toàn. Đặc biệt, trong vườn, cây được trồng ngay hàng thẳng lối, từng cây sầu riêng được đánh số cụ thể giúp nông dân quản lý tốt hơn vườn cây. Nhờ đó, năng suất, chất lượng sầu riêng ở khu vực này luôn đạt cao.

Đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu

Để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng, tỉnh Đồng Nai mong muốn Bộ NN&PTNT, các Bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa để trái sầu riêng của Việt Nam đến được người tiêu dùng trên toàn thế giới.

UBND tỉnh mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật của các thị trường thế giới để sản phẩm trái sầu riêng nói riêng, mặt hàng trái cây nói chung ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế và nhiều sản phẩm trái cây của tỉnh mở rộng thị trường xuất khẩu các nước tiềm năng khác. 

Thời gian qua, cây sầu riêng phát triển nhanh về diện tích, vươn lên thuộc tốp đầu cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, xuất khẩu sầu riêng tăng kỷ lục đạt 2,1 tỷ USD, tăng hơn 1,8 lần so với năm 2022. Hiện Việt Nam đã xuất khẩu sầu riêng đến 24 thị trường thế giới. Dự báo năm 2024, sầu riêng tiếp tục lập kỷ lục mới về xuất khẩu.

Sầu riêng cũng là cây trồng chủ lực của Đồng Nai với gần 12,7 ngàn hécta. Toàn tỉnh đã được cấp 41 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích hơn 1,9 ngàn hécta, sản lượng gần 49 ngàn tấn. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 34 vùng trồng đã nộp hồ sơ đang chờ phê duyệt mã số với diện tích 977 hécta. Trên địa bàn tỉnh đã có 10 cơ sở được cấp mã đóng gói xuất khẩu, 2 cơ sở đang chờ xem xét phê duyệt.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi khẳng định, việc tổ chức, phát triển ngành sầu riêng phải có sự đồng hành giữa các nhóm cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức hiệp hội và các ngành chuyên môn cùng nhau tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân thực hiện.

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 10% trên tổng diện tích trồng sầu riêng đã có mã số vùng trồng xuất khẩu. Khó khăn hiện nay, đa số diện tích sầu riêng vẫn chưa vào chuỗi với quá trình sản xuất, khâu chế biến, đóng gói… vẫn còn nhiều bất cập; tình trạng chuỗi liên kết bị phá vỡ khi xảy ra biến động giá.

UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra đề xuất để phát triển nguồn giống chất lượng. Hiện sầu riêng đang mùa thu hoạch, cần quan tâm đến hoạt động xúc tiến, kết nối đảm bảo đầu ra cho sản phẩm. Về xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, yêu cầu nông dân, cơ sở đóng gói cần tuân thủ những yêu cầu thuộc trách nhiệm của mình, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, không để xảy ra vi phạm ảnh hưởng chung đến toàn ngành.

Các địa phương cũng cần quan tâm phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trong tổ chức các chuỗi liên kết, hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, cạnh tranh không lành mạnh, phá thị trường, phá chuỗi liên kết. Qua đó, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai có thể cạnh tranh tốt trên thị trường về cả giá bán và chất lượng.

TIN LIÊN QUAN