Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững

(CL&CS)- Ngày 16/11, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo chuyên đề về nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững.

Đây là 1 trong nhiều Hội thảo chuyên đề hướng đến Hội nghị Đô thị toàn quốc năm 2022.

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch đô thị 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết: Đô thị hóa và phát triển đô thị là một tất yếu khách quan và là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ban Kinh tế Trung ương đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học triển khai thực hiện Nghị quyết.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh: Bộ Chính trị đã xác định, các quan điểm chỉ đạo quan trọng trong thời gian tới là đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; Bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại; Lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; Văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; Kết hợp hài hòa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời xác định quy hoạch kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị; Đồng bộ quá trình quy hoạch quản lý đô thị với các quá trình quản lý phát triển xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; Quy hoạch phát triển đô thị phải kiên quyết xóa bỏ tư duy về nhiệm kỳ, quy hoạch treo và lợi ích nhóm…

Trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 06-NQ/TW, nhiệm vụ số 2 có tính chất rất quan trọng, gắn liền với chủ đề Hội thảo chuyên đề 1, đó là nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững.

Để hoàn thành các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết 06-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP trải khai Nghị quyết 06-NQ/TW. Nghị quyết Nghị quyết 148/NQ-CP đề ra 5 nhóm nhiệm vụ chính để nâng cao chất lượng quy hoạch trong thời gian tới.

Mặt khác, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu quy hoạch đảm bảo tính độc lập, dài hạn, thống nhất, đồng bộ và phù hợp với các quy hoạch khác như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh…

Trong triển khai Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra vấn đề đồng độ giữa các quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, không gian công cộng, không gian ngầm hay các vấn đề phát triển đô thị ven biển…

Đây là những vấn đề Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng rất muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia và nhà khoa học, tập trung vào các định hướng chính trong Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 148/NQ-CP.

Tìm kiếm giải pháp cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính nhấn mạnh vấn đề tìm kiếm giải pháp cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.

Theo ông Chính, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, hệ thống đô thị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đô thị hóa và phát triển đô thị của đất nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế và nảy sinh nhiều thách thức trong quá trình phát triển.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam 

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, phát triển đô thị còn nhiều bất cập. Tỷ lệ đô thị còn thấp. Phát triển đô thị còn dàn trải, gây lãng phí về đất đai. Hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị. Các mô hình đô thị phát triển bền vững, văn minh, hiện đại còn chưa nhiều…

Phương pháp luận về lập quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn chậm được đổi mới, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư phát triển rất nhanh của đô thị hóa. Hệ thống pháp luật về quy hoạch, phát triển đô thị, đầu tư, đầu tư công, đất đai, xây dựng, nhà ở... còn chưa thống nhất, không đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung.

Ở địa phương, chất lượng đồ án quy hoạch đô thị còn thấp, thiếu tầm nhìn dài hạn, dự báo còn thiếu tính khoa học và khả thi. Việc chưa ban hành Quy hoạch tổng thể Quốc gia, các quy hoạch cấp trên, trong khi hiện nay các tỉnh đồng loạt triển khai lập Quy hoạch tỉnh đã làm ảnh hưởng đến nội dung Quy hoạch tỉnh khi được phê duyệt và triển khai trong quá trình thực hiện…

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, như nhận thức về đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững chưa đầy đủ và chưa được quan tâm đúng mức. Công tác quy hoạch đô thị chậm đổi mới, thiếu tầm nhìn, chất lượng thấp…

Vì vậy, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Hội thảo cần đi sâu phân tích, đánh giá và tìm ra những giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trên cơ sở đó, ông Trần Ngọc Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề chính, đó là: Đánh giá về cơ chế, chính sách trong quá trình đô thị hóa; Đánh giá việc thực thi quy hoạch; Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững; Hoàn thiện hệ thống đô thị quốc gia bền vững và đồng bộ về mạng lưới; Giải pháp phát triển kinh tế khu vực đô thị; Giải pháp phát triển đô thị bền vững trên nền tảng của công nghệ số và chuyển đổi số; Đề xuất mô hình chính quyền đô thị; Làm rõ vai trò của cộng đồng trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị, giám sát đầu tư phát triển đô thị.

TIN LIÊN QUAN