M&A bất động sản sẽ bùng nổ trở lại

(CL&CS) - Sau 10 tháng, hoạt động M&A tại Việt Nam cho thấy sự chững lại khi hoạt động này giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, một khi kinh tế phục hồi, dòng vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc vào Việt Nam, cùng sự lớn mạnh của doanh nghiệp trong nước, các hoạt động M&A sẽ được kích hoạt mạnh trở lại.

M&A chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022

Sau giai đoạn thăng hoa, thị trường M&A trên toàn cầu đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu GlobalData, quý 3/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, thị trường toàn cầu đã ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỷ USD trong quý 3/2022, so với 9.605 thương vụ trị giá 1.050 tỷ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới. Trong bối cảnh chung đó, thị trường M&A ở Việt Nam cũng rơi vào giai đoạn trầm lắng.

Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia chia sẻ tại Diễn đàn M&A 2022.

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị giao dịch M&A đạt mức 5,7 tỷ USD, giảm khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi số lượng giao dịch giảm xuống mức dưới 350, tương đương mức giảm 50% so với mốc gần 700 giao dịch của năm 2021.

Giá trị giao dịch bình quân đối với một thương vụ đã giảm từ mốc 31 triệu USD vào năm 2021 xuống còn 16 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2022.

Số lượng các giao dịch có giá trị trên 100 triệu USD được ký kết trong 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm xuống còn 13 thương vụ so với 22 thương vụ trong cùng kỳ năm trước.

Dưới góc nhìn về các ngành thì bất động sản, năng lượng tái tạo, hàng tiêu dùng là những lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các giao dịch M&A trong năm 2022.

Nếu như lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn trong ngắn hạn những vẫn thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư thì tiêu dùng lại đang được dự báo có nhiều triển vọng.

Lý do là người dân đang có xu hướng mở nhiều tài khoản, mua sắm, tham gia nhiều hơn trên các sàn thương mại điện tử, tăng chi tiêu cho giáo dục, y tế… Do đó, ông Warrick Cleine nhận định tại Diễn đàn M&A Việt Nam, tiêu dùng sẽ tiếp tục phát triển và đây là thị trường hấp dẫn vốn M&A.

Bên cạnh đó, mảng năng lượng tái tạo cũng nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Còn Tài chính, ngân hàng dù đã chững lại trong 10 tháng đầu năm 2022 nhưng nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm tới lĩnh vực này.

Việt Nam được đánh giá là thị trường an toàn, có sức hấp dẫn

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, sự chững lại của hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian gần đây hy vọng chỉ mang tính ngắn hạn và sẽ sớm hồi phục. Việt Nam nói chung, thị trường M&A Việt Nam nói riêng, vẫn luôn được đánh giá là một thị trường an toàn, hấp dẫn, giàu tiềm năng để “kích hoạt những cơ hội mới”.

"Các nhà đầu tư vẫn đặt nhiều niềm tin vào các giải pháp phòng chống dịch, điều hành kinh tế vĩ mô, cũng như nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 và cũng là động lực để thị trường M&A Việt Nam tiếp tục phát triển", ông Trần Quốc Phương cho hay.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng, hấp dẫn

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, năm 2023, kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia… Những diễn biến khó lường trên toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam; thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, thậm chí thách thức, khó khăn còn nhiều hơn.

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội sẽ chuyển từ trạng thái thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh và ổn định hơn.

Còn ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ mua bán sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam nhìn nhận, thị trường Việt Nam là điểm hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản vì đang trong thời kỳ dân số trẻ.

Độ tuổi trung bình Nhật Bản và Việt Nam chênh nhau 17 tuổi, tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng nhanh, đặc biệt đây là quốc gia có GDP tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á.

Điều này khiến các công ty Nhật Bản nhìn thấy điểm tích cực, tin tưởng tương lai. Khi các nhà đầu tư nước ngoài khác thoái vốn khỏi Việt Nam, thì nhà đầu tư Nhật Bản sẽ bước vào.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Group nhận thấy Việt Nam đã có sự đa dạng của loại hình đầu tư, cũng như đa dạng các nhà đầu tư. Các công ty Việt Nam đã thích ứng vào chuỗi cung ứng toàn cầu số hóa đổi mới, sẽ tạo ra các cơ hội to lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên điều khiến ông Dominic Scriven lo lắng là trong 2 năm qua, có nhiều công chức, viên chức ở các quan nhà nước nghỉ việc. Lý do là hiện nay, tốc độ hoạt động của doanh nghiệp tư nhân rất nhanh và cơ quan nhà nước cần bắt kịp để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trong đó có những lĩnh vực mới như số hoá, biến đổi khí hậu, bản quyền sở hữu trí tuệ…cần cơ quan quản lý nhà nước mạnh và chuẩn bị tốt.