Lợi ích và tầm quan trọng của Chứng nhận Halal

(CL&CS)- Việc đạt được chứng nhận Halal không chỉ mang lại lợi ích mà còn mở ra một cánh cửa rộng lớn về cơ hội kinh doanh cho các Doanh nghiệp Việt Nam.

Chứng nhận Halal là một chứng nhỉ xác nhận rằng các sản phẩm và dịch vụ hướng đến người Hồi Giáo đáp ứng các yêu cầu của luật Hồi Giáo và do đó phù hợp để tiêu dùng ở cả các quốc gia đa số theo Đạo Hồi và ở các nước phương Tây nơi có nhiều nhóm dân số theo Đạo Hồi (Pháp , Đức, Vương quốc Anh, Tây Ban Nha). Chứng nhận Halal có một quá trình đảm bảo các tính năng và chất lượng của sản phẩm theo các quy tắc được thiết lập bởi Hội đồng Hồi Giáo cho phép sử dụng nhãn hiệu Halal.

Những sản phẩm có thể đăng ký Chứng nhận Halal là các sản phẩm vật thể được sản xuất hàng loạt và có nhãn hiệu thương mại rõ ràng thuộc các lĩnh vực mà Nhà nước sở tại cho phép sản xuất. Những loại sản phẩm thường được yêu cầu Chứng nhận Halal, gồm có: Thực phẩm Halal; Thực phẩm chức năng Halal; Mỹ phẩm Halal; Dược phẩm Halal; Thức ăn chăn nuôi Halal; Thức ăn thủy sản Halal; Các sản phẩm chăm sóc cá nhân Halal…

Sản phẩm gạo của Công ty Lương thực Long An hiện đạt chứng nhận HALAL

Sau khi được cấp Chứng nhận Halal, doanh nghiệp sẽ được cấp logo Halal. Sản phẩm được mang dấu Halal trực tiếp trên sản phẩm và/hoặc trên bao bì của sản phẩm.

Hệ thống đảm bảo Halal

Hệ thống đảm bảo Halal (Halal Assurance System - HAS) là một hệ thống quản lý để duy trì trạng thái Halal của các sản phẩm đã đạt được Chứng nhận Halal. Cụ thể, đây là một hệ thống quản lý tích hợp được xây dựng và phát triển, triển khai và duy trì giúp quản lý nguyên liệu, quy trình sản xuất, sản phẩm, nguồn nhân lực và quy trình nhằm duy trì tính bền vững của quy trình sản xuất Halal theo yêu cầu của tiêu chuẩn Halal. Nó đóng vai trò là tài liệu hướng dẫn để duy trì tính nhất quán của sản phẩm Halal do công ty sản xuất. Hệ thống được coi như một cơ chế nội bộ trong giám sát, kiểm soát, cải tiến Halal và ngăn chặn bất kì sự không tuân thủ nào trong sản xuất sản phẩm Halal. Nhờ đó, giúp giảm thiểu và kiểm soát các mối nguy Halal, bảo đảm tính toàn vẹn trong sản xuất Halal.

Hệ thống đảm bảo Halal (HAS) dựa trên các nguyên tắc của HACCP. Đặc biệt nhấn mạnh vào quá trình cung cấp (đặc biệt là nguồn gốc của tất cả các nguyên liệu thô, thứ cấp và phụ trợ), quy trình vệ sinh và quá trình truy xuất nguồn gốc. Hệ thống quản lý Halal có thể dễ dàng tích hợp vào tất cả các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm quốc tế (như: ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000) cho phép các công ty chứng nhận sản phẩm của họ là Halal theo cách đơn giản và chi phí thấp. Những điểm cơ bản của việc phát triển Hệ thống quản lý Halal được chấp nhận là: Xây dựng Chính sách Halal đã được phê duyệt; Phát triển đội ngũ quản lý Halal chuyên dụng; Phát triển một phân tích vững chắc về các điểm quan trọng Halal của quy trình sản xuất và tích hợp chúng trong phân tích HACCP.

Chứng nhận Halal – Giấy thông hành cho thị trường Hồi giáo

Người Hồi giáo chỉ mua các sản phẩm có Chứng nhận Halal. Do đó, các sản phẩm sau khi được Chứng nhận Halal sẽ có được những lợi ích quan trọng như: Đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo. Sản phẩm được người Hồi giáo tin tưởng mua, sử dụng. Tạo lòng tin cho người tiêu dùng, được người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới (người Hồi giáo và người không phải Hồi giáo) lựa chọn, vì đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chứng nhận Halal của nguyên liệu là phương pháp chứng minh đơn giản, tin cậy và tiết kiệm nhất, đặc biệt là các nguyên liệu có nguồn gốc động vật. Chứng nhận Halal giúp doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản phẩm Halal trên thế giới. Chứng nhận Halal tạo thuận lợi trong việc marketing, chào hàng và tiếp cận thị trường Hồi giáo với gần 2 tỷ người (chiếm 25% dân số thế giới); Dự kiến năm 2030 sẽ tiếp tục tăng lên (chiếm 30% dân số thế giới).

Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá theo chuẩn mực quốc tế cho sản phẩm/ dịch vụ có trách nhiệm. Đây là quá trình xem xét, đánh giá độc lập, khách quan để xác nhận/ công nhận rằng những sản phẩm/ dịch vụ cụ thể được đánh giá không sử dụng các thành phần Haram và điều kiện sản xuất/ cung cấp dịch vụ đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal.

Việc đạt được chứng nhận Halal không chỉ mang lại lợi ích mà còn mở ra một cánh cửa rộng lớn về cơ hội kinh doanh cho các Doanh nghiệp Việt Nam. Với những nhu cầu cụ thể và nghiêm ngặt phải được đáp ứng nhưng lại mở ra vô số cơ hội trong mọi lĩnh vực đời sống.

Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An có 5 sản phẩm hoàn thành các tiêu chí chứng nhận HalaL

Chẳng hạn tại Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Chanh Việt Long An với mong muốn đưa sản phẩm nông sản ra thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, Công ty phối hợp nông dân đầu tư, cải tạo đất và ứng dụng công nghệ - kỹ thuật để tạo ra vườn chanh nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện nay, Công ty Chanh Việt cùng nông dân có vùng nguyên liệu hàng ngàn hécta chanh không hạt phục vụ sản xuất.

Hiện nay, Công ty Chanh Việt sản xuất phục vụ thị trường khoảng 30 sản phẩm các loại nước/bột trái cây hòa tan như nước chanh, nước tắc, thanh long, xoài, cam, bột hòa tan chanh, cam, thanh long, bột trái cây. Bột gia vị chanh nấu lẩu, nước chanh 100A, cốt chanh tươi,... Nhà xưởng được xây dựng và đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại đạt tiêu chuẩn HACCP. Sản phẩm của Công ty Chanh Việt hiện đáp ứng tốt và xuất khẩu sang thị trường nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả các nước Hồi giáo.

Ông Huỳnh Hữu Phúc, Phó Giám đốc Công ty cho biết, sau khi được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, đơn vị tư vấn hướng dẫn, Công ty hoàn thành các tiêu chí chứng nhận HalaL cho 5 sản phẩm gồm: Bột chanh nguyên chất; nước cốt chanh; nước cốt tắc; bột chanh hòa tan; bột trà chanh hòa tan. Giấy chứng nhận HalaL mà Công ty đã đạt sẽ giúp đẩy mạnh xúc tiến thương mại xuất khẩu sản phẩm chanh, tiếp cận thị trường Hồi giáo, tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường này, góp phần phát triển vùng chanh bền vững.

Công ty Lương thực Long An trực thuộc Tổng Cty Lương thực miền Nam, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chế biến lương thực xuất khẩu và bán nội địa với nhiệm vụ bình ổn thị trường.

Phó Giám đốc Cty Lương thực Long An - Nguyễn Minh Việt cho biết, những tháng đầu năm 2024, nguồn cung gạo thế giới tiếp tục thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi. Mặt khác, nhiều quốc gia tăng dự trữ gạo trong năm, tạo điều kiện cho xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục đà tăng về số lượng và giữ giá xuất khẩu ở mức cao. Với những thuận lợi này, Công ty cố gắng duy trì và giữ vững thị trường cũng như khách hàng truyền thống qua các năm như Malaysia, Gahna, Indonesia, Singapore,...

Bên cạnh đó, Công ty tiếp tục phát triển thêm các khách hàng mới trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của thị trường trong và ngoài nước. Theo đó, trong năm 2024, kế hoạch của Công ty bán ra thị trường 180.000 tấn, đến cuối tháng 10/2024, Công ty hoàn thành và vượt mức kế hoạch đề ra. Trong đó, 80% sản lượng là xuất khẩu, 20% thị trường nội địa.

Gạo là một trong những nguồn dinh dưỡng quan trọng trong bữa ăn hàng ngày của con người. Với cộng đồng người Hồi giáo, việc sử dụng gạo đòi hỏi phải đúng các tiêu chuẩn Halal nhằm bảo đảm an toàn và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Để được chứng nhận Halal, sản phẩm gạo của Công ty phải tuân thủ đầy đủ các quy trình sản xuất bảo đảm các thành phần, công nghệ, thiết bị sản xuất, phương tiện vận chuyển, bảo quản và giám sát chất lượng sản phẩm phù hợp với các quy chuẩn Halal.

Khi đạt chứng nhận Halal, sản phẩm gạo của Công ty minh chứng cho chất lượng và uy tín của sản phẩm, dần khẳng định vị thế trên thị trường gạo Việt Nam và cộng đồng người Hồi giáo. Tin vui là ngay sau khi đạt chứng nhận Halal, Công ty có những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang các đảo nhỏ của Indonesia, nơi có đông cộng đồng người Hồi giáo sinh sống. Qua đó, Công ty kỳ vọng thời gian tới xuất khẩu tốt hơn đến thị trường này, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy tiêu thụ lương thực, thực phẩm, tạo dựng sinh kế bền vững cho nông dân, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và cung ứng những sản phẩm chất lượng cho thế giới.

TIN LIÊN QUAN