Thứ tư, 23/10/2024, 14:46 PM

Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam

(CL&CS)- Chính phủ mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới.

Chiều ngày 22/10, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị "Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam".

Ngành Halal gồm những sản phẩm "được cho phép", "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt về thành phần, chế biến, vận chuyển.

Hội nghị do Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất về Halal lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" (tháng 2/2023), có ý nghĩa định hướng quan trọng cho việc phát triển ngành Halal của Việt Nam.

Hội nghị gồm 6 hoạt động chính thức và hơn 20 hoạt động song phương bên lề. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã được giới thiệu về Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia Việt Nam (HALCERT), Bộ Tiêu chuẩn Halal Việt Nam; chứng kiến lễ trao 5 văn kiện hợp tác giữa Trung tâm Chứng nhận GCC, Cơ quan Halal Hàn Quốc, Trung tâm Chứng nhận Halal châu Âu, Học viện Halal thuộc Công ty TNHH GAE (Malaysia) và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh với các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam về tiêu chuẩn và Halal.

Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung để phát huy nội lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam: Chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Halal của các nước và các tổ chức khu vực, quốc tế; cơ hội và các đề xuất hợp tác với Việt Nam để phát triển ngành Halal, mở cửa thị trường đối với sản phẩm Halal Việt Nam; tiềm năng, định hướng phát triển ngành Halal của Việt Nam và địa phương; thúc đẩy đàm phán, hướng tới ký kết các thỏa thuận/biên bản ghi nhớ hợp tác về Halal giữa các cơ quan, địa phương của Việt Nam với một số đối tác Halal tiềm năng, quan trọng.

img1468-172959252891255794966

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn, hoan nghênh và nhiệt liệt chào mừng các đại biểu tới dự Hội nghị Halal quốc tế lần đầu tiên được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội – Thành phố vì hòa bình, nghìn năm văn hiến, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người.

Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến và nỗ lực của Bộ Ngoại giao cùng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị có ý nghĩa quan trọng này, qua đó góp phần định hướng cho chiến lược phát triển ngành Halal Việt Nam, mở ra các cơ hội kinh doanh - đầu tư mới.

Hội nghị thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ Việt Nam và các quý vị đại biểu, các doanh nhân về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu; là minh chứng cụ thể, sống động cho tâm huyết và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn phát triển ngành Halal tại Việt Nam và đóng góp cho toàn cầu.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh 5 ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Hội nghị nói riêng và việc đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam. Theo đó, việc phát triển ngành Halal góp phần kết nối con người Việt Nam với con người các nước trên thế giới, nhất là thế giới đạo Hồi, trong bối cảnh chiến tranh, xung đột diễn biến phức tạp ở nhiều nơi.

Đồng thời, kết nối Việt Nam và thế giới thông qua các sản phẩm, dịch vụ Halal; kết nối nền kinh tế Việt Nam với kinh tế toàn cầu một cách đa dạng, phong phú, toàn diện và bền vững; kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đạo Hồi, nhất là văn hoá ẩm thực.

Cùng với đó, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp Halal tại Việt Nam mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn, chuyên nghiệp hơn, bao trùm hơn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân với tinh thần "ăn ngon, ăn sạch".

img1448-1729592528852164230534

Theo Thủ tướng, chúng ta đang sống trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn, lớn hơn thời cơ, thuận lợi. Cụ thể, cạnh tranh địa chính trị gia tăng, nguy cơ gia tăng xung đột cục bộ; cạnh tranh thương mại gay gắt, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng; tác động của các vấn đề có tính toàn cầu như: Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số...

Hơn bao giờ hết, hợp tác kinh tế quốc tế đòi hỏi tư duy đổi mới, cách tiếp cận linh hoạt, sáng tạo, mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện, đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết quốc tế, xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, trong khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế, có thể khẳng định rằng thị trường Halal đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác to lớn cho tất cả chúng ta với những tiềm năng to lớn.

Thị trường Halal toàn cầu dự báo có quy mô lên tới 10 nghìn tỷ USD trước năm 2030, trải rộng trên khắp thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo, trong đó dân số Hồi giáo dự báo đạt gần 3 tỷ người vào năm 2050, chiếm gần 30% dân số toàn cầu.

Ngành công nghiệp Halal gồm nhiều lĩnh vực đa dạng từ nông nghiệp, du lịch, dệt may, dược, mỹ phẩm, cho tới các ngành công nghiệp hỗ trợ, dây chuyền sản xuất, lưu kho, vận chuyển, dịch vụ...

Thủ tướng cho biết, nhận thức rõ về tầm quan trọng của thị trường Halal toàn cầu và những tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực, tập trung phát triển ngành Halal và bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực.

Việt Nam đã xây dựng định hướng chiến lược về phát triển ngành Halal đến năm 2030, trong đó có Đề án về "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030"; thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia, hoàn thiện các quy định pháp lý và tiêu chuẩn về Halal quốc gia.

Việt Nam đã ký một số thỏa thuận hợp tác về Halal với các đối tác Hồi giáo và phi Hồi giáo. Các cơ quan từ trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngày càng quan tâm đầu tư, sản xuất và mở rộng xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu.

Phân tích về tiềm năng, lợi thế của Việt Nam trong phát triển thị trường Halal, Thủ tướng cho biết trong giai đoạn phát triển mới, Việt Nam xác định: "Nâng cao mức độ và chất lượng hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường…; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trong nước, xác lập vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu...".

"Trên tinh thần đó, chúng tôi mong muốn phát triển ngành Halal Việt Nam thực sự trở thành một ngành thế mạnh, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không thể thiếu trong bản đồ Halal toàn cầu, một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ Halal trên thế giới", Thủ tướng cho biết.

Trung Kiên

Bình luận

Nổi bật

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 20:00

(CL&CS) - Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2025 được đề ra gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.900 đô la Mỹ (USD); Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

Lạng Sơn: Tập trung đầu tư hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:04

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 13/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Lạng Sơn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

Quốc hội chốt mục tiêu tăng GDP năm 2025 ở mức 6,5-7%

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 20:59

(CL&CS)- Chiều 12/11, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.