Dự thảo quy định về: yêu cầu kỹ thuật đối với các bộ phận của máy; yêu cầu về quản lý (phương thức đánh giá sự phù hợp, công bố hợp quy, ghi nhãn, phương pháp kiểm tra thử nghiệm và lấy mẫu); trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức chứng nhận hợp quy. Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các loại máy nêu trên và các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông lâm nghiệp
Theo Bộ NN&PTNT, việc áp dụng máy móc vào trong sản xuất nông lâm nghiệp là nhu cầu tất yếu của tất cả các nước trên thế giới hiện nay. Mỗi khâu sản xuất khác nhau yêu cầu trang bị các loại máy khác nhau phù hợp với yêu cầu của từng khâu sản xuất.
Việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay thế lao động thủ công và nâng cao thu nhập cho nông dân. Song máy móc, thiết bị đã và đang gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.
Ảnh minh hoạ.
Trong sản xuất nông lâm nghiệp, việc cắt cỏ và làm vườn, cắt tỉa cành cây chủ yếu dùng các loại máy cầm tay. Trong quá trình làm việc các bộ phận quay với tốc độ cao, có thể lên đến 9000 vòng/phút, tải trọng tác động luôn thay đổi nên rất có nguy cơ mất an toàn do độ rung, ồn, bị văng bắn lưỡi dao hoặc các đoạn cành cây, đá, sỏi văng ra từ lưỡi dao. Việt Nam hiện cũng đang sử dụng nhiều loại máy cắt cỏ cầm tay nhưng chưa có quy chuẩn quy định an toàn cho loại máy này.
Xuất phát từ vấn đề nêu trên, việc xây dựng quy chuẩn quốc gia về an toàn đối với máy cắt cỏ cầm tay dùng trong nông lâm nghiệp là rất thuận tiện và cần thiết hiện nay cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động vận hành.
Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định về kỹ thuật, quy định về quản lý đảm bảo an toàn đối với máy cắt cỏ làm vườn loại cầm tay dùng trong nông lâm nghiệp (Mã HS 84332000). Trong máy cắt cỏ cầm tay đeo vai dùng trong nông lâm nghiệp bao gồm máy cắt bụi cây, máy xén cỏ, máy cưa bụi cây và máy xén mép cỏ. Chúng là những máy cắt cỏ làm vườn loại cầm tay chỉ khác nhau về bộ phận cắt.
Đối tượng áp dụng bao gồm các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các loại máy cắt cỏ làm vườn loại cầm tay dùng trong nông lâm nghiệp.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với máy gặt đập liên hợp
Bộ NN&PTNT cho hay, việc áp dụng máy móc vào sản xuất nông lâm nghiệp là nhu cầu tất yếu của tất cả các nước trên thế giới hiện nay. Mỗi khâu sản xuất khác nhau yêu cầu trang bị các loại máy khác nhau phù hợp với yêu cầu của từng khâu sản xuất. Việc đưa máy móc, thiết bị vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần thay thế lao động thủ công và nâng cao thu nhập cho nông dân. Song máy móc, thiết bị đã và đang gây ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, làm ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và tính mạng của người sử dụng.
Máy gặt đập liên hợp là loại máy thu hoạch thực hiện các công đoạn cắt, vơ cây lên, đập, làm sạch, chuyển hạt vào thùng chứa. Do vừa di chuyển trên địa hình không thuận lợi (như mặt ruộng lầy thụt, mặt đồng ít khi bằng phẳng, qua nhiều bờ ruộng, kênh rạch, v.v...), vừa thực hiện các công đoạn cắt lúa, vận chuyển lúa lên cho vào buồng đập, phóng rơm ra, làm sạch sơ bộ thóc và vận chuyển thóc vào thùng chứa hạt. Do trong cùng một lúc máy phải làm nhiều công đoạn phức tạp như vậy trên địa hình khó khăn nên chất lượng vật liệu và công nghệ chế tạo máy gặt đập liên hợp phải có yêu cầu đạt tiêu chuẩn cao thì mới đảm bảo máy hoạt động tốt và an toàn.
Máy gặt đập liên hợp.
Máy gặt đập liên hợp có ưu điểm là thu hoạch 1 giai đoạn, rút ngắn được 3 công đoạn: cắt, thu gom, đập, do vậy tăng năng suất, giảm công lao động đang thiếu hụt trong mùa vụ, thu hoạch nhanh, đảm bảo thời vụ và giảm được hao hụt lúa lúc thu hoạch. Do máy gặt đập liên hợp thu hoạch lúa có nhiều ưu điểm nên máy đã được dùng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ở Việt Nam đã sử dụng loại máy này để thu hoạch lúa. Hiện nay, nước ta có trên 30.000 máy gặt đập liên hợp các loại. Những năm trước đây chủ yếu sử dụng máy GĐLH nhập từ Trung Quốc, máy cũ của Nhật Bản, Hàn Quốc và các cơ sở trong nước cải tiến từ các mẫu máy Trung Quốc. Hiện nay các loại máy GĐLH được sử dụng phần lớn của Công ty TNHH KUBOTA Việt Nam và Công ty TNHH Máy Nông Nghiệp Yanmar Việt Nam như: KUBOTA-DC 70PLUS, KUBOTA-DC 70, KUBOTA-DC 60, KUBOTA-DC 105X, KUBOTA-DC 93, YANMAR AW82V, YANMAR AW70V, YANMAR YH700, YANMAR YH850,...
Máy gặt đập liên hợp đang được dùng phổ biến để thu hoạch lúa, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, khi sử dụng loại máy này, người sử dụng phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm có thể gây tai nạn lao động. Khi sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa, người sử dụng phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm như vậy, nhưng hiện nay, ở nước ta chưa có Quy chuẩn về yêu cầu an toàn đối với máy gặt đập liên hợp.
Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì máy máy gặt đập liên hợp phải được kiểm tra nhà nước theo quy định tại Thông tư 16/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hoá nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hàng hóa nhóm 2 được quản lý theo quy chuẩn nhưng máy gặt đập liên hợp hiện nay chưa có quy chuẩn để áp dụng kiểm tra phục vụ công tác quản lý. Xuất phát từ vấn đề nêu trên, việc xây dựng Quy chuẩn quốc gia về an toàn đối với gặt đập liên hợp là rất cần thiết cho việc quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn, sức khỏe người lao động.
Về phạm vi điều chỉnh, Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về an toàn đối với đối với gặt đập liên hợp (máy liên hợp thu hoạch lúa) thuộc đối tượng quản lý Nhà nước của Bộ NN&PTNT. Đối tượng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán lẻ máy gặt đập liên hợp.