Thị trường tiềm năng
Mặc dù là lĩnh vực khá mới và phải đối đầu với lượng sách không bản quyền khá lớn trên mạng thế nhưng thời gian gần đây có khá nhiều DN chấp nhận rủi ro nhảy vào kinh doanh sách điện tử. Trong đó đầu tư khá mạnh tay là Lạc Việt, Trí Việt, Vinabook… có nhiều DN đã xây dựng được thương hiệu sách điện tử và bắt đầu bán được sản phẩm với quy mô lớn.
So với sách in, sách điện tử có con đường đến với độc giả ngắn nhất, chỉ cần một thiết bị đọc điện tử. Nhưng đó cũng là điểm yếu khiến các bản sao bất hợp pháp dễ dàng được phát tán. Một số dạng vi phạm điển hình hiện nay là: Số hóa các tác phẩm văn học; kinh doanh ebook thông qua việc cho phép đọc, truy cập, sao chép và lưu trữ trên các website, sao chép cá nhân bằng các kỹ thuật hiện đại... mà không xin phép tác giả và không hề trả tiền bản quyền.
Sách điện tử dễ dàng phát tán và kinh doanh sách điện tử có nhiều rủi ro |
Trước đó, mặc dù kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thế nhưng Công ty Tin học Lạc Việt cũng đã phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam để số hóa gần 5.000 đầu sách. Công ty Lạc Việt tự phát triển định dạng sách điện tử riêng và bộ đọc LacViet - Reader giúp hạn chế tối đa tình trạng sao chép trái phép nội dung, phát huy các ưu điểm vốn có của sách điện tử là dễ dàng tìm kiếm theo yêu cầu, tìm lại ngay trang sách và dòng chữ đang đọc dở dang, phóng to, thu nhỏ tùy ý. Với những tiện ích này, các tác phẩm được Lạc Việt số hóa sẽ hơn nhiều so với việc họ phải mua sách xuất bản.
Khó vì ebook lậu và vấn đề bản quyền
Mặc dù vậy, vấn đề khó nhất hiện nay đối với sách điện tử là bản quyền. Hiện ngoài đối phó với sách lậu không bản quyền tràn lan trên mạng thì chính các DN làm sách cũng hết sức đau đầu về thỏa thuận với tác giả hoặc nhà xuất bản và các DN triển khai. Do nguồn thu sách là dài lâu nên việc xuất bản trên mạng dễ xảy ra tình trạng tranh chấp tác quyền giữa các bên. Cho nên không ít nhà xuất bản vẫn chần chừ trong việc triển khai sách điện tử.
Vấn đề bản quyền cũng làm đau đầu cả các DN cung cấp thiết bị đầu cuối muốn tự triển khai bản quyền sách. Theo ông Lưu Duy Hoài, phụ trách marketing maydocsach.com, thị trường sách điện tử là một thị trường tiềm năng thế nhưng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Thông qua các tác giả, các DN chỉ mua được một lượng sách nhỏ trên thị trường, số còn lại phải phụ thuộc vào dòng sách không có bản quyền. Bên cạnh đó, do tình trạng thiếu kết nối nên vẫn chưa có DN lớn nào đứng ra quản lý lượng sách lớn có bản quyền.
“DN quốc tế như Amazon có nguồn sách điện tử có bản quyền lớn lớn hơn cả sách giấy. Mặc dù bán thiết bị đầu cuối thế nhưng doanh thu của họ vẫn là bán sách. Điều này có thể thấy là doanh thu của sách điện tử là rất lớn, trong khi đó các DN trong nước vẫn chưa thể tận dụng hết tiềm năng của sách điện tử” - ông Hoài cho biết thêm.
Đại diện Chibooks cũng phàn nàn, để hoàn thành một cuốn sách in mất khoảng 6 tháng, nhưng việc biến thành ebook và đưa lên internet chỉ mất vài ngày. Do đó, ebook lậu khiến các đơn vị phát hành sách in bị thất thu nặng. Mặt khác, dù các đơn vị kinh doanh ebook đều áp dụng các biện pháp bảo mật, nhưng hiệu quả thực sự chưa cao. Nhiều đầu ebook mới "ra lò" đã bị sao chép, lan truyền rộng rãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của nhà phát hành.
Giới chuyên môn nhận định, tuy giá sách điện tử chỉ bằng 1/2 - 1/3 giá sách giấy nhưng độc giả vẫn ngại mua. Mặt khác, phần lớn người Việt Nam vẫn có thói quen đọc "sách chùa", nhiều trang web lại đáp ứng điều này nên ít người chi tiền ebook. Nguyên nhân khác là do nhiều tác giả trẻ muốn nhanh chóng nổi tiếng, đã dễ dãi chấp nhận, thậm chí cung cấp các sáng tác của mình miễn phí, "tiếp sức" cho nạn xâm hại tác quyền trên internet.
Cần có biện pháp mạnh
Bức xúc vì bị vi phạm bản quyền, nhiều đơn vị kinh doanh, phát hành sách đã khởi kiện nhưng nhiều trang web vẫn ngang nhiên không dỡ bỏ ebook lậu. Nguyên nhân là bởi, Luật Xuất bản hiện vẫn chung chung, chưa có những quy định rõ ràng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Để chống lại vấn nạn này, nhiều nhà xuất bản cho biết sẽ hạ giá thành xuống mức thấp nhất để độc giả được đọc ebook thật. Đơn cử, Nhà xuất bản Trẻ đã hạ giá bán ebook xuống còn 5.000 - 10.000 đồng/bản, thậm chí có thể chỉ là 1.000 đồng/bản. Mặt khác, vì sợ ebook lậu ảnh hưởng đến doanh thu nên nhanh nhất cũng phải 2 tháng sau khi sách giấy phát hành, các đơn vị mới chuyển qua ebook để kinh doanh. Rõ ràng, những biện pháp nhằm ngăn chặn nạn sách lậu của các nhà xuất bản và các cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe. Vừa phải chống lại nạn sách lậu, các nhà xuất bản còn phải đương đầu với thuế xuất bản nên nhiều đơn vị bị đẩy đến bên bờ vực thẳm, thậm chí phá sản.
Tin mới nhất về kinh doanh độc giả có thể đọc tại đây.
Phong Uy