Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là đối với các quốc gia đang phát triển có lợi thế phát triển lĩnh vực này.
Việt Nam có thế mạnh của nền nông nghiệp truyền thống, nguồn nhân lực dồi dào, nguồn tài nguyên nông nghiệp phong phú, khí hậu đa dạng và thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Mặt khác, giá trị mặt hàng nông sản gần 100% là do lao động trong nước tạo ra. Vì vậy, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đồng thời mở ra triển vọng to lớn cho xuất khẩu nông sản.
KHCN và ĐMST đã giúp cải thiện cơ cấu giống và tăng năng suất cây trồng vật nuôi, những năm qua, cộng đồng các nhà khoa học đã công nhận 529 giống mới (393 giống cây trồng, 12 giống thủy sản; 82 giống cây lâm nghiệp và 42 giống vật nuôi). Công tác chọn tạo và sản xuất giống đã có hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng của nông nghiệp như: Các giống lúa Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng trên phạm vi cả nước với diện tích khoảng 6,2 triệu ha (chiếm gần 80% diện tích lúa cả nước).
Hình minh họa
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN và ĐMST) ngày càng có vai trò quan trọng và đóng góp tích cực vào tăng trưởng nông nghiệp. Các nghiên cứu và kết quả tính toán theo các cách khác nhau đều cho thấy đóng góp của KHCN và ĐMST cho ngành nông, lâm, thủy sản là rất lớn, đạt mục tiêu trên 50%. Điều này phản ánh nông nghiệp Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình theo chiều rộng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào KHCN và ĐMST.
KHCN đã thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp, năng suất lao động nông, lâm, thủy sản. Nhiều nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng ứng dụng KHCN rất cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như: Tôm, cá tra… Nhiều doanh nghiệp lớn ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới như: TH (sữa), Dabaco (chăn nuôi), Nafoods (trồng, chế biến trái cây), Masan (giết mổ, chế biến), Nam miền Trung (tôm)...
Bên cạnh kết quả đã đạt được, lĩnh vực KHCN cũng còn có những hạn chế, bất cập: Việc thương mại hóa - chuyển giao kết quả nghiên cứu sản phẩm, công trình KHCN vẫn còn chậm; một số công trình, đề tài nghiên cứu hàm lượng sáng tạo, tính mới chưa cao, vẫn còn thiếu đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, nhân lực làm nghiên cứu đông nhưng chưa mạnh; việc sử dụng trang thiết bị cơ sở vật chất có lúc, có nơi còn chưa hiệu quả...
Tại hội nghị các đại biểu đại diện các Viện Nghiên cứu, học viện, Trường Quản lý Cán bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia…đã trao đổi, thảo luận về “Tư duy đổi mới, các chính sách, định hướng phát triển KH&CN và ĐMST ngành nông nghiệp và PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; về “Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ ngành Nông nghiệp và PTNT”; về “Đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao KHCN lĩnh vực nông nghiệp phục vụ phát triển ngành nông nghiệp và PTNT”; “Chuyển giao KHCN trong công tác khuyến nông phục vụ phát triển ngành nông nghiệp và PTNT”…
Theo các chuyên gia, để khoa học công nghệ thực sự thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp, trong thời gian tới, tiếp tục cần sự quan tâm của các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó cần sự đồng bộ trong toàn hệ thống để đưa các chính sách vào thực tiễn một cách thực sự để thực thi hiệu quả, góp phần đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững.