ISO 14001 – cộng hưởng trách nhiệm môi trường và phát triển bền vững trong doanh nghiệp

(CL&CS) - ISO 14001:2015, tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý môi trường, đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp thực hiện cam kết bảo vệ môi trường và tối ưu hóa hoạt động sản xuất.

Theo Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, tiêu chuẩn ISO 14001 lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1996 và được cập nhật gần nhất vào năm 2015. ISO 14001:2015 là một trong những bộ tiêu chuẩn quan trọng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) công bố, nằm trong nhóm tiêu chuẩn hướng tới việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường (EMS) cho các tổ chức, doanh nghiệp.

Không bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng ISO 14001:2015 lại đóng vai trò rất lớn trong việc giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí, đồng thời tuân thủ tốt hơn các quy định về môi trường. Tiêu chuẩn này yêu cầu các tổ chức xác định rõ phạm vi áp dụng, đánh giá rủi ro môi trường, xây dựng lộ trình hành động cụ thể và duy trì hoạt động cải tiến liên tục để đạt mục tiêu quản lý môi trường như mong muốn.

Doanh nghiệp nên tuân thủ theo ISO 14001:2015 để giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

Đặc biệt, việc áp dụng ISO 14001:2015 không chỉ mang lại lợi ích về mặt nội bộ như tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn góp phần nâng cao hình ảnh doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng – những người ngày càng quan tâm đến yếu tố bền vững, thân thiện môi trường trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ.

Một trong những công ty tiêu biểu trong việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2015 là BlueFin, một công ty 100% thuộc sở hữu của nhân viên và là thành viên của GATE Energy. Theo bà Crystal Yoes - Chủ tịch bộ phận đường ống, quy trình và công nghiệp của BlueFin, việc đạt chứng nhận này thể hiện cam kết mạnh mẽ của công ty trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường đồng thời duy trì các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn. 

“Chúng tôi tự hào áp dụng các phương pháp hay nhất không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn góp phần vào một tương lai bền vững hơn cho ngành công nghiệp của chúng ta”, bà Crystal Yoes cho biết.

Chứng nhận ISO 14001:2015 cũng giúp BlueFin cải thiện quy trình hoạt động và tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, từ đó hỗ trợ khách hàng đạt được các mục tiêu môi trường của họ. Đây là một cột mốc quan trọng khẳng định cam kết của công ty đối với các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm.

Hay Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa, với các nhà máy sản xuất dệt, sợi nhân tạo và nhựa. Việc áp dụng ISO 14001:2015 đã giúp công ty giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế cạnh tranh trên thị trường. Ngoài việc thực hiện các tiêu chuẩn môi trường, Hưng nghiệp Formosa cũng cam kết duy trì chất lượng sản phẩm và tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường.

Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt cũng là một điển hình trong việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Công ty này không chỉ thực hiện hệ thống quản lý chất lượng mà còn kết hợp đồng bộ công cụ 5S từ phân xưởng đến các phòng ban. Việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất đã giúp công ty tạo ra môi trường làm việc gọn gàng, ngăn nắp và sạch sẽ, đồng thời nâng cao năng suất lao động và tạo niềm tin với khách hàng. Thành tựu này cũng góp phần giúp Công ty Cổ phần Gốm Đất Việt nhận được nhiều giải thưởng và xác lập kỷ lục Việt Nam, khẳng định sự thành công trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế.

Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, bất kỳ tổ chức nào quan tâm đến quản lý tác động môi trường một cách bài bản và hiệu quả cũng đều có thể áp dụng ISO 14001. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có một số ngành nghề đặc biệt cần ưu tiên áp dụng tiêu chuẩn này, như: Các nhà máy sản xuất, chế biến, lắp ráp – nhóm ngành thường sử dụng nguyên liệu thô và phát thải khí, nước thải, chất thải rắn có khả năng gây hại nếu không được xử lý đúng cách; Ngành khai thác, luyện kim, hóa chất – nơi tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao do sử dụng hóa chất độc hại và phát sinh lượng lớn chất thải nguy hại; Doanh nghiệp xử lý, tái chế chất thải hoặc sử dụng phế liệu nhập khẩu – có thể phát sinh nước thải chứa kim loại nặng, khí độc như CO₂, NOx, SOx… gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường nếu không được kiểm soát.

Thực tế cho thấy, các tổ chức áp dụng ISO 14001:2015 không chỉ cải thiện hiệu quả vận hành mà còn góp phần tích cực vào nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu. Đồng thời, đây cũng là một yếu tố giúp nâng cao niềm tin với đối tác, khách hàng và cộng đồng. Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, việc sớm áp dụng ISO 14001:2015 chính là bước đi chiến lược để doanh nghiệp hội nhập, cạnh tranh và khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường.

TIN LIÊN QUAN