ICMAEE 2024: Cơ hội kết nối, thúc đẩy ứng dụng tự động hóa, môi trường hướng tới phát triển bền vững

(CL&CS) - Mới đây, Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Cơ Điện tử, Hệ thống tự động và Môi trường ICMAEE 2024 được đồng tổ chức bởi Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) và Hiệp hội Kỹ thuật Cơ Điện tử Quốc tế (ISME).

Hội thảo quốc tế về Kỹ thuật Cơ Điện tử, Hệ thống tự động và Môi trường (ICMAEE 2024) được diễn ra từ ngày 18 đến ngày 20/7/ 2024 tại khuôn viên của Đại học Quốc gia Hà Nội, là một trong những hội thảo khoa học có uy tín nhất thế giới trong các lĩnh vực hệ thống cơ điện tử, tự động hóa và kỹ thuật môi trường.

Quang cảnh hội thảo

ICMAEE đã trở thành một diễn đàn uy tín cho các kỹ sư, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất, cũng như sinh viên trong lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa và kỹ thuật môi trường. Hàng năm, hội thảo thu hút hơn 250 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đến trình bày và trao đổi về các khía cạnh mới nhất và có tính tương lai của tích hợp hệ thống, tích hợp phần cứng/phần mềm, tự động hóa và robot.

ICMAEE 2024 thu hút hơn 250 đại biểu từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự

Hội thảo cùng hướng tới tạo nên một diễn đàn khoa học với tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có uy tín thuộc lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa, Môi trường.

Các vấn đề được nghiên cứu đi sâu và các ứng dụng: Thành phố thông minh; Hệ thống điều khiển giao thông thông minh; Điều khiển quá trình trong nhà máy (giấy, xi măng, vật liệu,…); Tự động hóa trong công nghiệp tàu thuỷ; Tự động hóa trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Tự động hóa trong nước cấp và nước thải; Tự động hóa cao ốc, nhà thông minh; Tự động hóa trong hầm mỏ, khai thác khoáng sản và luyện kim; Tự động hóa trong chế tạo máy; Tự động hóa trong ngành dệt may và da giầy;

Tự động hóa trong lĩnh vực năng lượng, điện năng và năng lượng tái tạo; Ứng dụng điều khiển trong lĩnh vực hàng không vũ trụ; Ứng dụng trong giáo dục và đào tạo; Ứng dụng trong y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; Ứng dụng trong phòng chống thiên tai và xử lý ô nhiễm môi trường; Điều khiển giám sát cho hệ thống chống ngập thành phố…

Tự động hóa được ứng dụng rộng rãi trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau: sản xuất, gia công cơ khí, dây chuyền lắp ráp tự động, ứng dụng kiểm soát chất lượng… Đơn cử như trong sản xuất ngành dược mỹ phẩm, dây chuyền sản xuất đóng gói tự động rất quan trọng để đảm bảo đóng gói an toàn và đúng quy trình của các loại thuốc, mỹ phẩm đảm bảo chất lượng của chúng và bảo vệ khỏi các yếu tố bên ngoài như độ ẩm, ánh sáng. Hệ thống các máy đóng gói tiên tiến đã được phát triển để thực hiện các công việc đóng gói phức tạp và đa dạng giúp tăng hiệu quả và độ chính xác trong quá trình đóng gói, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào lao động con người.

Nhìn chung, ở các doanh nghiệp Việt, mức độ ứng dụng tự động hóa vẫn còn khá thấp. Điều này có thể xem là cơ hội cho những doanh nghiệp hoặc những nhà cung cấp các giải pháp tự động hóa khi mà họ còn rất nhiều "đất" để tiếp tục cải tiến, đổi mới, nâng cấp các quy trình mức độ cao hơn và phức tạp hơn. Nền công nghiệp 4.0 phát triển với tốc độ đáng ngạc nhiên và dự đoán sẽ đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2030 (theo Research 4.0). Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các nhà sản xuất để tăng tốc chiến lược và đáp ứng yêu cầu của khách hàng một cách hiệu quả.

Với khả năng hoạt động liên tục không ngừng nghỉ của các loại máy móc tự động, quy trình sản xuất của doanh nghiệp không bị gián đoạn so với hoạt động thủ công truyền thống. Đầu tư hệ thống tự động hóa giúp doanh nghiệp tối ưu quản trị, đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí nhân công.

Hội thảo lần này cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu của mình, là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật cho những người công tác trong ngành. Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề đang được giới khoa học, doanh nghiệp và xã hội quan tâm như: Điều khiển học, tự động hóa và ứng dụng.

Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội vinh dự đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này, cung cấp một bối cảnh truyền cảm hứng cho việc trao đổi tri thức giữa nền văn hóa phong phú của Hà Nội. Hội thảo năm nay đặc biệt quan trọng vì nó nhấn mạnh sự hợp tác nghiên cứu đang phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và Đài Loan, đặc biệt trong lĩnh vực Kỹ thuật Cơ Điện tử, Hệ thống tự động và Môi trường. Sự hợp tác chặt chẽ này đã dẫn đến những tiến bộ đáng kể thông qua các dự án chung và trao đổi học thuật tích cực.

Ban tổ chức hội thảo mong muốn đây sẽ là sự đóng góp tích cực vào nỗ lực của quốc gia trong quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Các nội dung các diễn giả đưa ra tại hội thảo lần này đề cập đến những hướng thời sự trong các lĩnh vực robot, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo và các vấn đề khác liên quan các đối tượng ứng dụng mới như UAV, ngôn ngữ, tín hiệu não...

Thời gian tới, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Hiệp hội Kỹ thuật Cơ Điện tử Quốc tế mong rằng, Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia. Cùng với đó, hỗ trợ dòng chảy kiến thức và chuyên môn kỹ thuật trong và giữa các quốc gia hướng tới vì lợi ích của cộng đồng - cốt lõi của phát triển bền vững.

TIN LIÊN QUAN