Hoàng Anh Gia Lai đang ở thế “tiến thoái lưỡng nan”

(NTD) - Việc ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) tuyên bố có thể bán 20.000 ha cao su tại Lào cho một số đối tác Trung Quốc để lấy 8.000 tỷ đồng trả nợ đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Việc cứu hay không cứu Hoàng Anh Gia Lai đang là một trong những vấn đề khó không biết làm sao để vẹn cả đôi đường “tôi và chúng ta”...

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAG.

HAG đang bán dần tài sản

Tính đến 30/6, tổng tài sản của HAG là 51.105 tỷ đồng, nợ phải trả là 32.996 tỷ đồng. Hiện tại, phương án tái cơ cấu nợ của HAG vẫn chưa có kết quả cuối cùng. HAG có 12.343 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 14.340 tỷ đồng nợ dài hạn. Mỗi ngày công ty phải trả lãi vay ngân hàng lên tới 5,6 tỷ đồng.

Vì vậy, HAG đang đối mặt với các vấn đề về thanh khoản và những vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại đồng ý gia hạn các khoản vay và cho phép HAG hoãn thanh toán vốn vay gốc và lãi vay.

Trước mắt để tạo dòng tiền, cải thiện tình hình thì HAG phải bán dần các tài sản có thanh khoản như mía đường, thủy điện, bò sữa. Theo lãnh đạo công ty, nhiều khả năng HAG sẽ trả được 6.400 tỷ đồng trong tổng số 26.683 tỷ đồng dư nợ hiện tại.

Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa được tổ chức mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, công ty đang chờ tín hiệu tái cấu trúc của Chính phủ và ngân hàng, nếu không được sẽ bán 20.000 ha cao su tại Lào để trả nợ. Cả hai tình huống này có thể xảy ra, để năm 2017 sẽ giải quyết xong nợ cơ bản. HAG đã tiếp xúc với nhiều đối tác từ Trung Quốc đến xem xét, nghiên cứu.

Cứu hay không cứu?

Thông tin HAG bán cao su tại Lào cho Trung Quốc đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Việc cứu hay không cứu công ty của “bầu” Đức đang bị rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong trường hợp nếu cứu HAG thì việc đó đồng nghĩa với việc ngân hàng phải cơ cấu lại nợ, gia hạn các khoản vay mà không phải chuyển nhóm nợ; NHNN thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ các ngân hàng xử lý. Đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm, vì liên quan đến lợi ích, sự công bằng, trách nhiệm, vấn đề nợ xấu và thậm chí là cả câu chuyện dùng ngân sách nhà nước để hỗ trợ hay không.

Nếu thực hiện phương án trên, NHNN phải đối diện với áp lực dư luận về vấn đề nợ xấu tiếp tục bị lẩn khuất trong nhận diện; các ngân hàng chủ nợ được nhượng bộ về chi phí trích lập dự phòng khi nợ không phải chuyển nhóm; nếu thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ thì dường như đụng đến ngân sách và sự công bằng, vì có nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn mà không được hỗ trợ như vậy...

Riêng trường hợp HAG và các ngân hàng chủ nợ, những lo ngại trên không phải là không hợp lý, thậm chí có yêu cầu về sự trả giá, trách nhiệm trong câu chuyện kinh doanh, cho vay và sử dụng vốn vay.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành thì HAGL đủ điều kiện để được hưởng những ưu đãi, nếu áp dụng theo các Nghị định 482 và 55 của Chính phủ. Bởi doanh nghiệp này cũng là một trong những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế đối ngoại vùng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia. Cùng với đó, HAG là doanh nghiệp tiên phong đầu tư ra nước ngoài ở khu vực vùng biên giới và kinh doanh chủ yếu các lĩnh vực nông nghiệp như: Chăn nuôi bò, cao su, mía đường... là những ngành nghề mà Chính phủ và các ngân hàng thường thực hiện hỗ trợ cho vay với các gói lãi suất thấp.

Hiện các khoản vay của HAG đang chịu lãi suất thương mại khoảng 8-11%/năm. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, hoạt động đầu tư, vay vốn của HAG từ trước đến nay hoàn toàn theo lãi suất thị trường mà không áp dụng theo Nghị định 482 và 55. Đặt trường hợp tập đoàn này được hưởng các ưu đãi về lãi suất (khoảng 5%/năm) thì có lẽ, ngay cả giá cao su xuống đến mức hiện tại, chắc chắn sẽ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động của HAG như hiện nay.

Bên cạnh đó, phía các ngân hàng chủ nợ khẳng định HAG có lịch sử tín dụng tốt. Vậy thì, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, đóng sập cơ hội, bắt họ phá sản để thanh lý tài sản, thu hồi nợ không phải là biện pháp đầu tiên. Nên việc cứu HAG cũng là một điều nên làm hiện nay.

Bên cạnh đó, việc HAG bán rừng cao su không phải nói bán là bán được ngay, bởi sẽ vấp phải các thủ tục xin phép từ Chính phủ Việt Nam và Lào nên việc bán dự án cao su rất khó khăn. Hơn nữa giá cao su thành phẩm vẫn đang ở mức thấp và chưa có dấu hiệu đi lên, liệu có đối tác nào sẵn sàng bỏ vào đây số lượng lớn tiền như vậy. Đây cũng thực sự là bài toán khó cho HAG vào lúc này.

Tác động mạnh

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, tác động kinh tế - xã hội của HAG rất lớn tới nền kinh tế. So sánh hai kịch bản, kịch bản “xấu” và kịch bản doanh nghiệp hồi phục sẽ tác động thế nào đến lao động, công ăn việc làm, thu nhập, bất ổn xã hội và kể cả thu ngân sách Nhà nước... trong ngắn hạn và dài hạn.

HAG cũng là một doanh nghiệp trong nước tiên phong thực hiện đầu tư lớn vào nông nghiệp, lĩnh vực đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức. Hình ảnh, uy tín của HAG là những tài sản vô hình cần được tính đến trong bài toán này.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi đều cho biết, HAG không cần được “cứu”, bởi nếu căn cứ theo Nghị định 55 và Nghị định 482 của Chính phủ, đương nhiên công ty của “bầu” Đức phải được hưởng những chính sách ưu đãi theo quy định mà Nhà nước đã ban hành.

Mai Trinh

 
Nên đọc