Hoàn thiện quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phòng chống gian lận thương mại đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh

(CL&CS)- Thời gian gần đây, các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước; gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu. Việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại lớn đối với nền kinh tế nước ta.

Vậy phải làm gì để ngăn chặn việc gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo ghi nhãn xuất xứ Việt Nam?

Theo tác giả cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Một mặt các cơ quan chức năng cũng như các Bộ, ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; Mặt khác phải tiếp tục rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan để  có những quy định rõ ràng minh bạch thuận lợi cho doanh nghiệp áp dụng đồng thời tạo cơ sở pháp lý để  nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác  quản lý nhà nước, chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Hiện nay có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quy định về  xác định xuất xứ hàng hóa xuất  khẩu, nhập khẩu. Tuy nhiên việc thể hiện nội dung xuất  xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa( sau khi đã xác định được xuất xứ hàng hóa)  là một trong các nội dung bắt buộc theo quy định tại  Nghị định 43/2017/NĐ-CP nhằm minh bạch thông tin hàng hóa, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.  

 Đánh giá thuận lợi và khó khăn sau 04 năm thực hiện Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa

 Thuận lợi

Hơn 04 năm qua, từ khi Nghị định số 43/2017/NĐ-CP có hiệu lực, hoạt động quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa lưu thông tại Việt Nam, hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường được thực hiện thống nhất, đồng bộ theo đúng quy định của pháp luật. Những quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP được các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đánh giá là đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện công tác quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống gian lận thương mại, hàng giả, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa, minh bạch hàng hóa của mình trước khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãnhàng hoá; đồng thời góp phần giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm, hàng hoá phù hợp trong đời sống, phục vụ nhu cầu thiết yếu và sinh hoạt hàng ngày.

Nghị định  43/2017/NĐ-CP về cơ bản đã quy định chi tiết nội dung, cách ghi và quản lý nhà nước về nhãn đối với hàng hóa lưu thông, hàng hóa nhập khẩu. Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính về nhãn hàng hóa đã được quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã tạo thuận lợi trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa.

Đa số các doanh nghiệp, hiệp hội đều có ý kiến cho rằng các quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP hiện đã tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu và giao lưu thương mại quốc tế. Tuy nhiên qua quá trình thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ –CP cũng đã bộc lộ môt số khó khăn, bất cập cần phải được xem xét, nghiên cứu, sửa đổi , bổ sung cho phù hợp.

Khó khăn, bất cập

Hiện nay không có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu, cách ghi xuất xứ hàng xuất khẩu, chưa có quy định về quy tắc xác định xuất xứ  đối với hàng hóa  sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam.  Dẫn đến có tình trạng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp hàng hóa để  xuất khẩu gian lận  ghi nhãn xuất xứ Việt Nam  hoặc xuất xứ từ các nước khác như Mỹ, Hàn quốc, Nhật,… nhưng thực tế hàng hóa không phải có xuất xứ như vậy.

Đối với hàng nhập khẩu, Nghị định 43/2017/NĐ CP quy định Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định này thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc. Tại Khoản 3, điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định “ Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.” Tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 43/2017/NĐ –CP quy định: “ Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.”

Nghị định 43/2017/NĐ CP chỉ quy định cách  ghi xuất xứ hàng hóa. Theo đó Doanh nghiêp phải  tự xác định xuất xứ hàng hóa của mình theo các quy tắc xuất xứ, các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa. Việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương. Sau khi doanh nghiệp xác định được xuất xứ hàng hóa của mình thì  theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP , doanh nghiệp ghi / thể hiên xuất xứ trên nhãn hàng hóa phải đảm bảo đúng đắn, trung thực.  Tuy nhiên quy định này bị một số doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng việc bổ sung nhãn phụ  để bổ sung nội dung xuất xứ và gian lận về xuất xứ, không đúng nguồn gốc xuất xứ thực tế của hàng hóa.

 Để ngăn chặn các hành vi gian lận, trong thời gian vừa qua cơ quan hải quan đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa phải ghi đầy đủ các thông tin bắt buộc trên nhãn gốc ngay tại thời điểm thông quan và xử phạt các trường hợp nhãn gốc không thể hiện đầy đủ thông tin bắt buộc. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chân chính, nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu nhưng trên nhãn hàng hóa tại thời điểm thông quan không thể hiện xuất xứ hàng hóa. Theo quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ CP doanh nghiệp được  ghi bổ sung nhãn phụ tiếng Việt đối với nội dung xuất xứ còn thiếu nhưng phải đúng với xuất xứ trong hồ sơ nhập khẩu.  Bộ KH&CN, Bộ Tư pháp  cũng đã xem xét  và có ý kiến về vấn đề này và khẳng định nhãn hàng hóa tại thời điểm nhập khẩu chưa có đủ nội dung bắt buộc là chưa vi phạm quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP.  Sau đó, cơ quan hải quan cũng đã thu hồi lại các quyết định xử phạt không đúng quy định.

 Tuy nhiên trước thực trạng lợi dụng việc ghi nhãn phụ để  gian lận, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cân nhắc thực tế này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP theo Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp trong thời gian tới.

Một số bất cập khác trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP như  chưa có quy định ghi nhãn theo phương thức điện tử trong khi thực tế  đang diễn ra cuộc Cách mạng 4.0 sôi động và đã có một số ngành sản xuất hàng hóa đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ 4.0 trong ghi nhãn hàng hóa, …

Sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa, vừa phải tạo môi trường  kinh doanh thuận lợi nhưng vừa phải đảm bảo yêu cầu  chống hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và những doanh nghiệp kinh doanh chân chính trong bối cảnh phát triển nền kinh tế  nước ta hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới giai đoạn hiện nay; Đồng thời, triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; Từ những vướng mắc, bất cập nêu trên cho thấy việc Nghiên cứu sửa đổi bổ sung, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP rất cần thiết.

Việc sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP cần phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong quản lý và thực thi các quy định về nhãn hàng hóa.

- Sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể để khắc phục những bất cập về ghi nhãn nhằm chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và lợi ích của quốc gia.

-  Sửa đổi, bổ sung với quan điểm vừa đảm bảo quản lý nhà nước, vừa tránh gây rào cản thương mại, khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid 19, có sự chuyển tiếp, lộ trình cụ thể cho doanh nghiệp thực hiện.

-  Xem xét để các quy định của Nghị định sửa đổi phù hợp các quy định của  các hiệp định TBT, TPP.

 Hiện nay Bộ KH&CN đã  và đang trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định  sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NFĐ-CP  và  sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động trong thời gian tới./.

TIN LIÊN QUAN