Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng Phụ trách Tổng cục TCĐLCL cho biết, năm 2021 dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ KH&CN, Tổng cục đã triển khai công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đảm bảo thích ứng linh hoạt, an toàn trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, trong năm 2021, Tổng cục đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ…
Đặc biệt, Tổng cục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) triển khai cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính của Bộ KH&CN và duy trì 6 thủ tục hành chính kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Riêng đối với thủ tục kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN với hơn 88.000 lượt hồ sơ được giải quyết trong năm 2021 đã góp phần tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng chi phí cho doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và chỉ số cải cách hành chính của Bộ KH&CN.
Tổng cục đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 389 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); tiếp nhận, thẩm tra và thẩm định 39 dự thảo quy chuẩn quốc gia (QCVN) của các bộ, ngành xây dựng; hướng dẫn, góp ý 25 quy chuẩn kỹ thuật địa phương đã góp phần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, hội nhập quốc tế, năng suất chất lượng, nâng cao năng lực doanh nghiệp, tiếp cận thị trường xuất khẩu lớn.
Đặc biệt, đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức thẩm định, trình Bộ KH&CN công bố 61 TCVN về trang thiết bị y tế, trong đó có nhiều TCVN quan trọng về khẩu trang, găng tay y tế, áo choàng y tế, mũ chùm đầu y tế... phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19. Có 18 TCVN liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế (máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn...), lĩnh vực về quản lý rủi ro đặc thù cho ngành thiết bị y tế... được Tổng cục cung cấp miễn phí cho doanh nghiệp.
Trong công tác hợp tác quốc tế, Tổng cục đã hoàn thành tốt vai trò của cơ quan đại diện Việt Nam tham gia với tư cách thành viên tại 14 tổ chức quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đặc biệt là hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) và Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng ASEAN (ACCSQ).
Ông Lê Xuân Định – Thứ trưởng Bộ KH&CN
Đánh giá cao những kết quả đạt được của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đề nghị trong năm 2022, Tổng cục cần đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về chất lượng sản phẩm hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các văn bản có liên quan.
Việc sửa đổi 2 luật này nhằm mục tiêu để phù hợp với các cam kết tại Hiệp định CPTPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, quá trình chuyển đổi số, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và vượt qua các hàng rào kỹ thuật trong thương mại.
“Điều quan trọng nhất trong việc sửa đổi luật là phải chú ý đến việc tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nhưng vẫn phải tạo động lực mới, vừa là lực kéo vừa là lực đẩy để doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cần đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới (trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ ứng dụng, phát triển các công nghệ cao, phục vụ phát triển năng lượng quốc gia, tiêu chuẩn về môi trường, năng lượng tái tạo...) theo hướng đồng bộ, có trình độ ngang bằng, hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực bảo đảm phục vụ quản lý, trang bị kịp thời cho doanh nghiệp, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và đặc biệt là tập trung xây dựng đề án chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Thứ trưởng Lê Xuân Định cũng yêu cầu xây dựng và triển khai đề án chuyển đổi số trong hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng theo hướng tinh gọn, nâng cao năng suất, kế thừa các hệ thống điện tử công nghệ thông tin đã được đầu tư; tập trung, ưu tiên nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế để tận dụng cơ hội hội nhập quốc tế...