Sự kiện thuộc Chương trình Cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2020, thu hút sự tham gia của trên 100 cơ quan, doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Tây Ban Nha.
Ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và Tây Ban Nha được duy trì phát triển ổn định với tốc độ tăng trung bình khoảng 15,8% trong 10 năm qua. Năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều đạt kỷ lục 3,25 tỷ USD - mức cao nhất trong lịch sử, tăng gấp 3 lần so với năm 2009.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam và Tây Ban Nha. Do vậy, trao đổi thương mại hai chiều chỉ đạt 1,99 tỷ USD, giảm 17,59% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha đạt 1,6 tỷ USD, giảm 20,5%, kim ngạch nhập khẩu Việt Nam từ Tây Ban Nha đạt khoảng 394 triệu USD, giảm nhẹ 2,95% so với cùng kỳ năm 2019.
Về đầu tư, tính đến tháng 9/2020, Tây Ban Nha có 78 dự án đầu tư trực tiếp với tổng mức vốn đạt 113,75 triệu USD, đứng thứ 46/138 nước và vùng lãnh thổ có quan hệ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Bà Xiana Méndez Bértolo, Quốc vụ khanh phụ trách Thương mại - Bộ Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha cũng cho rằng, chúng ta đang trong thời điểm đầy thách thức vì Covid-19 gây ra với thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Viết Vinh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam cũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình xuất nhập khẩu và tiêu dùng của nhiều mặt hàng trên thế giới, trong đó có mặt hàng cà phê. Xuất khẩu cà phê của Việt Nam 10 tháng năm 2020 đạt 1,34 triệu tấn, với kim ngạch trên 2,3 tỷ USD, giảm 1,3% về lượng và giảm 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Cơ hội chờ đón
Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, dư địa và tiềm năng để mở rộng hợp tác đôi bên cùng phát triển, cùng có lợi còn rất lớn, đặc biệt khi EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Đây là một hiệp định mang lại lợi ích lớn nhất từ trước đến nay cho các doanh nghiệp Việt Nam và EU, trong đó có Tây Ban Nha với mức độ mở cửa chưa từng có: gần như 100% các dòng thuế về 0% sau 7 đến 10 năm cùng nhiều ưu đãi khác trong các ngành dịch vụ, tài chính, vận tải, bảo hiểm, mua sắm Chính phủ...
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, doanh nghiệp Việt Nam cần kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến và cầu nối để thâm nhập và phát triển tại thị trường EU thông qua các đối tác Tây Ban Nha. Ngược lại, Tây Ban Nha cần nguồn cung cấp các sản phẩm tiêu dùng có chất lượngvà cầu nối Việt Nam để thâm nhập thị trường ASEAN đầy tiềm năng.
Đánh giá cao vị trí của Việt Nam trong hợp tác thương mại với Tây Ban Nha, bà Xiana Méndez Bértolo cho biết, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới và là một thị trường hấp dẫn tại Châu Á nhờ sự ổn định về chính trị và kinh tế năng động. Trong bối cảnh hầu hết các nước trên thế giới tăng trưởng âm về kinh tế do tác động của dịch Covid 19 thì Việt Nam là một trong ít nước chứng kiến sự tăng trưởng về kinh tế trong những tháng qua, và được dự báo tăng 2,8% trong cả năm 2020.
“Nhờ sự tăng trưởng kinh tế này, Việt Nam đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng của Tây Ban Nha”, bà Xiana Méndez Bértolo nhấn mạnh.
Cũng theo bà Xiana Méndez Bértolo, đến nay Việt Nam và Tây Ban Nha đã ký kết nhiều thỏa thuận riêng và chung quan trọng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác thương mại và đầu tư, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh và thu nhập, đặc biệt là EVFTA.
Nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp hai nước
Để hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, mở rộng khai thác thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Viết Vinh cho biết, Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam đã chủ động đón trước cơ hội do EVFTA mang lại thông qua việc xây dựng Đề án về cà phê trình Chính phủ về “Nâng cao năng lực cạnh tranh cà phê Việt Nam theo hướng phát triển bền vững đến năm 2030”.
Ông Nguyễn Viết Vinh cũng đề nghị EU và Tây Ban Nha tạo điều kiện cho hàng nông sản của Việt Nam, trong đó có cà phê nhân, cà phê chế biến vào các chuỗi siêu thị của Tây Ban Nha nói riêng và EU nói chung.
Trong khi đó, ông Javier Serra, Trưởng phòng Quốc tế, Cục Xúc tiến Xuất khẩu và Đầu tư Tây Ban Nha (ICEX) cho biết, cơ quan này sẵn sàng cung cấp tất cả các công cụ về XTTM và đầu tư cho doanh nghiệp hai nước để doanh nghiệp có điều kiện tìm hiểu thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh.
Ông Jaime Montalvo, Giám đốc Quan hệ Quốc tế, Phòng Thương mại Tây Ban Nha cũng cam kết sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước làm ăn tại thị trường của nhau.
Về phần Cục XTTM, Cục trưởng Vũ Bá Phú cho biết, Cục XTTM đang nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức tại Tây Ban Nha hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, trao đổi cơ hội kinh doanh và đầu tư thông qua việc tham gia những hội chợ triển lãm trực tuyến quy mô lớn, tổ chức các đoàn giao dịch thương mại trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu.