Hiệu quả ứng dụng IPM trên cây trồng: Nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác

(CL&CS) - Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) là hệ thống sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng nông sản.

Năng suất lúa dao động từ 78-80 tạ/ha

Chương trình IPM được hưởng ứng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Từ năm 1992, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đưa IPM vào Việt Nam, hỗ trợ đào tạo giảng viên IPM (TOT), huấn luyện nông dân thông qua các lớp học hiện trường đồng ruộng (FFS); Chương trình IPM đã được áp dụng trên lúa, rau các loại và cây ăn quả,… ở nước ta.

Những năm qua, người dân tỉnh Phú Yên đã tích cực áp dụng giúp giảm chi phí sản xuất cũng như lượng thuốc bảo vệ thực vật độc hại tồn dư trên sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, ổn định cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên đơn vị canh tác.

Ứng dụng IPM giúp nâng cao năng suất, chất lượng và tăng lợi nhuận trên cánh đồng 

Thông tin với báo chí, ông Tô Tấn Nguyên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Kiến 1 cho hay: Hiện HTX có hơn 140ha đất canh tác lúa. Trước đây, trong quá trình sản xuất lúa, người dân trên địa bàn sử dụng thuốc BVTV rất nhiều. Dù sâu bệnh gây hại còn ở mức nhẹ, không ảnh hưởng nhiều đến cây trồng song bà con vẫn tiến hành phun, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên từ khi được học các lớp IPM, bà con đã hiểu được thế nào là sâu bệnh tới ngưỡng phải phòng trừ và thiên địch, từ đó đã giảm sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng đồng, cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, hệ sinh thái trên đồng ruộng.

Cũng theo ông Nguyên, từ khi người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV, thiên địch như bọ rùa, chuồn chuồn, ong đã phát triển lên, khống chế được sâu rầy. Bây giờ, bà con chỉ phun thuốc bệnh (nhóm an toàn) trước và sau trổ, chứ không ai còn phun thuốc trừ sâu. Như vụ hè thu năm nay, dù sâu keo phát triển mạnh trên cây lúa nhưng chưa đến ngưỡng phải phun thuốc. Hiện nay đã qua giai đoạn, sâu keo tự chết lại tốt cho đồng ruộng. Có thể nói, chương trình IPM giúp bà con sản xuất lúa và cây hành hiệu quả hơn, năng suất tăng khoảng 10-15% so với sản xuất thông thường.

Còn với ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa An Tây (huyện Phú Hòa) cho biết: Từ năm 2006, Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên đã mở lớp tập huấn IPM dành cho cán bộ HTX, hội nông dân và phụ nữ xã. Lực lượng nòng cốt này đã tuyên truyền, hướng dẫn lại cho bà con nông dân trên địa bàn theo phương pháp cầm tay chỉ việc trên các mô hình trình diễn. Cứ như vậy qua nhiều vụ, hầu hết nông dân đã nhận thức cơ bản về chương trình IPM để áp dụng trên cây lúa.

HTX có 256ha đất trồng lúa, toàn bộ diện tích áp dụng sạ thưa từ 5-7kg/sào. Bà con sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất cũng hạn chế do sâu bệnh hại xảy ra không đáng kể. Nhờ vậy, năng suất lúa trung bình tại HTX luôn nằm trong top đầu ở huyện Phú Hòa, dao động từ 78-80 tạ/ha. Đặc biệt, những vụ đông xuân gần đây năng suất lúa có lúc lên đến 85-86 tạ/ha.

Lợi ích và hiệu quả của chương trình IPM

Nhấn mạnh về lợi ích và hiệu quả của chương trình IPM, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, cho biết, hiện nay, nông dân tại các địa phương trong tỉnh đã mạnh dạn áp dụng IPM trên sản xuất cây lúa và rau màu. Từ đó giúp bà con tiết kiệm chi phí như giống, phân bón, thuốc BVTV từ 1,5-2 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 3-5%, lợi nhuận tăng từ 4-8 triệu đồng/ha so với sản xuất thông thường. Cho đến nay, toàn tỉnh có khoảng 38.000ha lúa áp dụng chương trình IPM, chiếm hơn 65% tổng diện tích sản xuất mỗi năm.

Từ năm 1994, tỉnh Phú Yên đã sớm triển khai chương trình IPM trên cây trồng, tuy nhiên diện tích áp dụng chưa nhiều. Đến giai đoạn năm 2015 - 2020 khi Sở NN-PTNT Phú Yên tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án đẩy mạnh áp dụng IPM trên cây trồng thì diện tích áp dụng mới được mở rộng khắp các cánh đồng ở các địa phương trong tỉnh.

Trong thời gian vừa qua, Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đào tạo 28 giảng viên nguồn IPM (TOT). Trên cơ sở đó, chi cục mở 59 lớp huấn luyện nông dân (FFS), trong đó có 53 lớp FFS trên cây lúa và 6 lớp FFS trên cây rau. Đồng thời xây dựng 12 mô hình ứng dụng IPM trên cây lúa với diện tích khoảng 120ha (5-10ha/mô hình) và khoảng 640 lượt nông dân tham gia.

Chương trình IPM đã chứng minh được sự ưu việt trong quản lý các đối tượng sinh vật gây hại, đặc biệt giảm lượng thuốc BVTV 4,5 lần trên cây lúa để bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Các biện pháp áp dụng trong IPM còn là cơ sở để phát triển các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, ICM, “1 phải, 5 giảm”…

Nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng cho biết, thông qua việc áp dụng mô hình IPM, nhân dân chú trọng đến quy trình trồng lúa ngay từ khâu làm đất, bởi khi cày lật, phơi ải, bón vôi và phân bón vi sinh giúp tiêu diệt phần lớn mầm bệnh, vi sinh vật gây hại trong đất. Nhờ đó, đã giảm được chi phí và công chăm sóc, sử dụng rất ít thuốc hóa học giúp cây trồng phát triển hiệu quả, đồng thời đảm bảo yếu tố an toàn bền vững trong sản xuất. 

Với sự lan toả việc ứng dụng IPM trên diện rộng trong tỉnh đáp ứng những yêu cầu, điều kiện về cạnh tranh nông sản, an toàn thực phẩm hướng tới xây dựng thương hiệu sản xuất hàng hóa chất lượng và hiệu quả. Ứng dụng Chương trình IPM trên cây trồng là định hướng, giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Vì giúp nông dân trên địa bàn tỉnh từng bước thay đổi tư duy sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái, góp phần thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp xanh, bền vững.

TIN LIÊN QUAN