Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng
Những năm gần đây, phương thức chăn nuôi đang dần dịch chuyển từ chăn nuôi quy mô nông hộ kiểu cũ, lạc hậu sang quy mô trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn. Các trang trại áp dụng nhiều tiến bộ KHKT, như: Chuồng nuôi khép kín, có hệ thống làm mát về mùa hè, sưởi ấm về mùa đông, hệ thống thông gió, xử lý chất thải…, hay ứng dụng công nghệ số vào trong quản lý chăn nuôi, kiểm soát dịch bệnh, giúp cải thiện năng suất, giảm giá thành và gia tăng lợi nhuận xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Mô hình trang trại bò sữa áp dụng công nghệ số cho năng suất cao, chất lượng tốt
Đến nay, việc chuyển đổi số ứng dụng công nghệ cao trong ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định thể hiện rõ nét nhất trên lĩnh vực chăn nuôi.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), tỉnh Bình Định hiện có 43 trang trại chăn nuôi, sản xuất con giống theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, có hệ thống chăn nuôi hiện đại, khép kín, gồm 32 trang trại heo, 10 trang trại gà, 1 trang trại bò sữa. Có thể kể đến như:Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định (TX An Nhơn); Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước); Trang trại heo giống cụ kỵ công nghệ cao Thagrico Bình Định của Công ty TNHH Nông nghiệp Trường Hải Bình Định, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát); Công ty TNHH Bảo Châu, Công ty TNHH Phú Hưng, Công ty Hải Đảo (huyện Hoài Ân); Công ty TNHH Thành Phú (huyện Vân Canh)…
Các doanh nghiệp vừa nêu đã bước đầu thành công nhờ áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi, ấp nở, lai tạo giống, lấy sữa…. Điển hình như tại Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh, được thành lập từ năm 2010 với xuất phát điểm trang trại gia đình. Sau hơn 10 năm hoạt động, Công ty đã vươn lên thành doanh nghiệp cung cấp giống gà ta, gà thả vườn chất lượng cao lớn hàng đầu cả nước.
Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty giống gia cầm Cao Khanh cho biết, từ năm 2016, Công ty đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Công ty đã đầu tư hoàn thiện 50 dãy chuồng nuôi nền kín lạnh với chi phí 4 tỷ đồng/chuồng nuôi 10.000 con gà giống, nhờ ứng dụng công nghệ cao giảm chi phí, mỗi năm, công ty đạt lợi nhuận từ 15-20 tỷ đồng.
Ví dụ với hệ thống quản lý và vận hành các hoạt động bên trong Trang trại Bò sữa Vinamilk Bình Định được tự động hóa có kết nối internet, nhân viên trang trại có thể giám sát mọi hoạt động từ bất cứ đâu. Khu vực chuồng trại được trang bị hệ thống làm mát tự động (thiết bị đo nhiệt ẩm, xử lý phân, nước thải…), giúp môi trường bên trong chuồng luôn mát mẻ. Hơn 2.000 con bò đang được nuôi tại đây đều được đeo 2 chip ở cổ, trong đó có 1 chip đóng vai trò định danh, giúp xác định nguồn gốc bò, trang trại nuôi, lai lịch bố mẹ và nhiều thông số khác; chip còn lại cung cấp các chỉ số về tình trạng sức khỏe, sinh sản và năng suất sữa... Dữ liệu ở 2 chip này được cập nhật liên tục gửi về trung tâm quản lý, đây là cơ sở để hệ thống tự động phân tích, đánh giá và đưa ra báo cáo chi tiết để người nuôi kiểm tra, đối chiếu và đưa ra chế độ chăm sóc cần thiết khi cần.
Xác định chuyển đổi số là giải pháp quan trọng giúp người chăn nuôi nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông sản với chi phí thấp nhất, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc khẳng định: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên ngành chăn nuôi, phù hợp quy định tại Luật Chăn nuôi và Thông tư số 20 của Bộ NN&PTNT về quy định việc cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.
Nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững
Trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, giống vật nuôi là một trong những yếu tố được ngành Nông nghiệp chú trọng. Theo đó, thời gian qua, các đơn vị chuyên môn Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện cải tạo đàn bò bằng phương pháp phối giống thụ tinh nhân tạo và phối giống trực tiếp với giống bò đực có tầm vóc lớn, sức đề kháng cao để từng bước cải thiện đàn bò giống, tăng quy mô đàn bò lai. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi lựa chọn giống heo, gia cầm có chất lượng, năng suất cao.
“Lĩnh vực chăn nuôi thì trong thời gian qua chúng tôi cũng đã phối hợp với Cục Chăn nuôi xây dựng cơ sở dữ liệu trên đàn vật nuôi, có thể cập nhật, truy cập đến từng cơ. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp chính quyền địa phương các cơ sở chăn nuôi, nhất là các trang trại lớn để đẩy nhanh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi này. Đối với nuôi trồng thủy sản, những công nghệ hiện nay Việt- Úc đang làm chúng tôi cũng sẽ định hướng chuyển giao cho các cơ sở nuôi trồng trong tỉnh”, Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết:
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra, khuyến cáo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; tăng cường chuyển giao cho người chăn nuôi kỹ thuật công nghệ cao, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi tiên tiến trong nông hộ.
Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng, ứng dụng các phần mềm cấp, quản lý giấy phép, chứng nhận giết mổ và hành nghề, kinh doanh thuốc thú y; rà soát, hoàn chỉnh và chuyển đổi số các quy trình kỹ thuật chăn nuôi, thú y cho các vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện cụ thể trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xây dựng sổ tay điện tử hỗ trợ quy trình kỹ thuật chăn nuôi và giết mổ gia cầm, gia súc cho người dân... Từ đó, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm của tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ngày càng mở rộng đã giúp giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các HTX, hộ chăn nuôi.
Nhiều trang trại hiện áp dụng hệ thống chuồng khép kín, điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, có thiết bị cho ăn bán tự động, vòi uống tự động cho lợn; gà uống nước theo nhu cầu; lắp đặt camera để giám sát từ xa toàn bộ chuồng trại. Đặc biệt nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh giúp tăng sức đề kháng, giảm khẩu phần thức ăn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh, khử mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường.
Các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để quản lý, xử lý chất thải trong chăn nuôi như: sử dụng hệ thống máy tách phân để xử lý chất thải của lợn làm phân bón hữu cơ; sử dụng các chế phẩm sinh học EM, đệm lót chuồng sinh học, hệ thống xử lý chất thải… không những giải quyết hiệu quả vấn đề bảo vệ môi trường mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững.
Với việc chủ động đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi, nên hầu hết các sản phẩm tại các trang trại đều có đầu ra ổn định, có hợp đồng liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài với các doanh nghiệp lớn.
Bên cạnh đó, để các trang trại phát huy được hiệu quả kinh tế, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định cũng tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án chăn nuôi công nghệ cao, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, tạo điều kiện về đất đai xây dựng chuồng trại, vùng chăn nuôi tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nhằm xây dựng chuỗi liên kết giá trị, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững./.