Gia tăng chất lượng hàng hoá trong tiến trình nâng hạng thị trường chứng khoán

(CL&CS) - Nhận diện những rào cản và tích cực có giải pháp tháo gỡ để thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam sớm được nâng hạng là mục tiêu đã và đang được cơ quan quản lý, các thành viên thị trường tập trung giải quyết. Theo các chuyên gia, việc nâng hạng không chỉ là đổi tên mà phải tạo ra sự thay đổi về chất của thị trường.

Cần gia tăng chất lượng hàng hoá để đáp ứng yêu cầu của nâng hạng thị trường chứng khoán. Ảnh: ST

Các công ty chứng khoán cần sẵn sàng cho cuộc chơi lớn

Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, việc thị trường được nâng hạng từ cận biên lên mới nổi không chỉ là đổi tên gọi mà là sự thay đổi về chất và dòng vốn phần lớn sẽ đến từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài chuyên nghiệp. Việc được tổ chức xếp hạng FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi sẽ là cơ hội tốt giúp TTCK thu hút được chú ý, ghi nhận từ tổ chức xếp hạng MSCI trong bối cảnh danh sách các thị trường có cơ hội được nâng hạng lên mới nổi khá hạn chế.

Đề cập đến rào cản liên quan đến hoạt động thanh toán bù trừ, Bộ Tài chính và UBCKNN đã đưa ra giải pháp, trong đó, các công ty chứng khoán (CTCK) sẽ thực hiện hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng, xét theo khía cạnh từ CTCK thành viên, cả giải pháp ngắn hạn hay dài hạn đều tạo áp lực về vốn bởi việc phải nâng cấp hệ thống khi trách nhiệm và rủi ro đều rất lớn. Để giải quyết áp lực này, ông Nguyễn Khắc Hải liệt kê ra một số giải pháp, trong đó, giải pháp đầu tiên là các CTCK cần bổ sung nguồn lực về vốn. “Trách nhiệm thanh toán giao dịch cho nhà đầu tư thuộc về CTCK, do đó, tất yếu các CTCK phải chuẩn bị nguồn lực lớn về vốn để hạn chế rủi ro thanh toán. Tại Việt Nam, chúng ta thấy rằng đa số các CTCK đều có kế hoạch tăng vốn trong năm 2024 và 2025, là bước chuẩn bị cho “cuộc chơi lớn” này”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong khi đó, liên quan đến rào cản minh bạch thông tin, PGS.TS. Trần Việt Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Ngân hàng (Học viện Ngân hàng) nhấn mạnh, trong năm 2022, các doanh nghiệp thường chưa đáp ứng được quy định về công bố thông tin trên TTCK liên quan đến đại hội đồng cổ đông thường niên. Tuy nhiên, trong năm 2023, các lỗi liên quan đến báo cáo tài chính lại áp đảo. Trong kỳ có 161 doanh nghiệp bị các cơ quan quản lý nhắc nhở hoặc xử lý vi phạm về công bố thông tin trên TTCK. Bên cạnh đó, việc vi phạm các quy định trong công bố thông tin (trễ hạn, không công bố hoặc quá hạn gửi thông tin) đang diễn ra phổ biến với khoảng 50% số trường hợp vi phạm quy định liên quan đến công bố thông tin.

PGS.TS. Trần Việt Dũng cũng cho biết, theo đánh giá của MSCI và FTSE, Việt Nam đã đạt được những kết quả trong cập nhật thông tin bằng tiếng Anh, tuy nhiên vẫn cần cải thiện thêm. Nghiên cứu thị trường của Ngân hàng thế giới cho thấy, chỉ khoảng 10% trang chủ của các công ty niêm yết công bố thông tin và báo cáo tài chính bằng tiếng Anh và đa phần các công ty này là công ty vốn hóa lớn.

Cần gia tăng chất lượng hàng hoá

Theo PGS.TS. Trần Việt Dũng, mặc dù công bố thông tin minh bạch là một trong những điều kiện để nâng hạng TTCK, song các doanh nghiệp niêm yết hiện nay vẫn chưa hiểu đầy đủ về các lợi ích của minh bạch thông tin. Việc phụ thuộc vào mức độ tự nguyện trong cung cấp thông tin của các doanh nghiệp niêm yết thường mang lại hiệu quả không cao. Do đó, để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong việc công bố thông tin, trong dài hạn cần tăng cường việc giám sát tuân thủ và nâng cao năng lực đánh giá.

Liên quan đến vấn đề nâng hạng thị trường phải giải quyết bài toán gia tăng chất lượng hàng hóa, nghĩa là cần tăng thêm các doanh nghiệp niêm yết chất lượng, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, thực tế hiện nay trên thị trường có 42 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường trên 1 tỷ USD. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì con số này là không nhỏ. Đồng thời, Việt Nam hiện còn có những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường lớn đang chờ đợi TTCK nâng hạng mới niêm yết.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, việc nâng cao chất lượng hàng hóa là mục tiêu từ các đề án tái cấu trúc TTCK, chiến lược phát triển TTCK. Trong thời gian qua, UBCKNN đã đưa ra các giải pháp để tích hợp chào bán công khai lần đầu (IPO) và niêm yết. Việc này giúp doanh nghiệp lớn thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn lớn. UBCKNN đang nghiên cứu và có giải pháp ban đầu, trong thời gian tới sẽ đưa vào các dự thảo thông tư và nghị định.

Chia sẻ về các tiêu chí để xác định chất lượng hàng hóa trên TTCK, lãnh đạo UBCKNN cho biết, có ba tiêu chí để xác định chất lượng hàng hóa gồm: chất lượng công bố thông tin; quản trị công ty; trách nhiệm với xã hội, môi trường. “Đối với chất lượng công bố thông tin, trên TTCK, thông tin rất quan trọng. Nếu không minh bạch thì TTCK không thể thực hiện chức năng phân bổ nguồn vốn hiệu quả. Để có thông tin chất lượng, doanh nghiệp cần có ý thức tự giác trong việc công bố thông tin xuất phát từ chính lợi ích của doanh nghiệp”, ông Hải nhấn mạnh.

Đối với vấn đề quản trị công ty, theo UBCKNN, trong thời gian tới, TTCK sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hội nhập, tiếp cận với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và đặc biệt, việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thì việc cải thiện quản trị công ty trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc nâng hạng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ chuẩn mực báo cáo tài chính và quản trị công ty nghiêm ngặt hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu quốc tế. Sự minh bạch thông tin không chỉ giúp củng cố niềm tin của nhà đầu tư mà còn giảm thiểu rủi ro về thông tin sai lệch và gian lận tài chính. Bên cạnh đó, để nâng cao tiêu chuẩn quản trị, các doanh nghiệp sẽ phải áp dụng quản trị công ty tốt nhất để đáp ứng các yêu cầu nâng hạng, giúp tăng cường hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ quyền lợi của cổ đông.

TIN LIÊN QUAN