Gia Lai: Đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản

(CL&CS) - Mã số vùng trồng là công cụ quan trọng trong việc truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng đã được nhiều địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn Gia Lai tích cực áp dụng. Các sản phẩm chủ lực như cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, chanh leo, chuối… đều đã được cấp mã số khẳng định chất lượng trên thị trường quốc tế.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 227 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.600 ha và 38 cơ sở đóng gói nông sản với tổng công suất đóng gói vào khoảng 1.500 – 1.700 tấn quả tươi/ngày. Con số này đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn 2018 – 2022, khi đó Gia Lai chỉ có 95 mã số vùng trồng và 22 cơ sở đóng gói. Hiện các mặt hàng nông sản của tỉnh đều được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ…

Nhiều diện tích sầu riêng của Gia Lai đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: Nguyễn Diệp

Các địa phương thường xuyên rà soát diện tích cây trồng đủ điều kiện thiết lập, xây dựng mã số vùng trồng; phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn, hỗ trợ cho tổ chức và cá nhân. Tăng cường kiểm tra, giám sát kinh doanh, sử dụng mã số vùng trồng, xác định các loại cây trồng ưu tiên cấp mã số vùng trồng, khuyến khích cấp mã số vùng trồng cho vùng nguyên liệu tập trung các loại nông sản chủ lực nhằm đáp ứng bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến cuối năm, 100% số xã xây dựng nông thôn mới đều thiết lập, xây dựng và cấp mã số vùng trồng…

Ông Trần Xuân Khải, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, cho rằng việc xây dựng mã số vùng trồng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai. Cụ thể, mã số vùng trồng giúp truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua mã số vùng trồng, người tiêu dùng có thể yên tâm về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và tăng giá trị xuất khẩu.

Ngoài ra, mã số vùng trồng còn góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường. Các hộ dân được hướng dẫn áp dụng các quy trình canh tác khoa học, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, giá trị nông sản tăng cao hơn, mang lại lợi nhuận bền vững hơn cho người dân.

Tỉnh Gia Lai đang tích cực đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân xây dựng vùng nguyên liệu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO để nâng cao chất lượng và giá trị nông sản. Đồng thời, tỉnh Gia Lai cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mã số vùng trồng cho toàn bộ sản phẩm nông sản của mình.

Những năm qua, xuất khẩu nông sản đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh Gia Lai với kim ngạch liên tục tăng. Trong nửa đầu năm 2024, tỉnh Gia Lai đã ghi nhận kim ngạch xuất khẩu ấn tượng với con số ước tính lên tới 525 triệu USD. Sự tăng trưởng này một phần được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP giúp mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp.

TIN LIÊN QUAN