UBND TP.HCM đồng ý cho CTCP Phát triển Thanh Đa tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vị của chủ đầu tư dự án cụm 8 chung cư lô số (lô số I, II, III, IV, V, VI, VII, VIII), Cư xá Thanh Đa. Yêu cầu chủ đầu tư này khẩn trương hoàn tất đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, thủ tục chấp thuận đầu tư dự án trước ngày 31/12/2020.
Sau thời hạn này, nếu CTCP Phát triển Thanh Đa không hoàn tất thủ tục chấp thuận đầu tư dự án thì UBND TP.HCM sẽ thu hồi chủ trương đầu tư.
Dự án cụm 8 chung cư lô số ở Cư xá Thanh Đa gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. |
UBND TP.HCM giao các sở ngành liên quan như Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN&MT, Sở Tài chính và UBND quận Bình Thạnh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện đồ án quy hoạch và hoàn trả chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tạm cư cho người dân ở lô số IV và lô số VI đã giải toả.
CTCP Phát triển Thanh Đa hiện là chủ đầu tư của 8 lô số. Sau khi được công nhận chủ đầu tư thông qua đấu thầu, công ty đã nộp vào ngân sách 40,4 tỷ đồng là chi phí và kinh phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư các hộ thuộc sở hữu tư nhân của lô IV, lô VI. Cùng lúc đó là việc ký hợp đồng với Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q. Bình Thạnh thực hiện công tác bồi thường, tái định cư 6 lô số còn lại... Nguyên nhân chậm trễ triển khai xây dựng mới tại lô IV và lô VI là do thủ tục hành chính.
Dự án chung cư Thanh Đa nằm trong kế hoạch chỉnh trang đô thị, chính vì vậy, các bước để triển khai dự án được áp dụng theo Luật Đất đai 2013. Tức là phải đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Sau khi trúng đấu thầu nhà đầu tư phải lo thủ tục pháp lý giống như một dự án thương mại bình thường.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc này rất thiệt thòi cho chủ đầu tư vì phải mất thời gian thực hiện thủ tục pháp lý như dự án thương mại bình thường, song lợi nhuận chắc chắn sẽ không bằng được vì những chính sách trong dự án chỉnh trang đô thị khắt khe hơn.
“Cần phải có cơ chế đặc thù, có thể lập ra một hội đồng riêng để giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án chính trang đô thị nhanh hơn, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư” - tiến sĩ Nhân đưa ra giải pháp.
Ngoài khó khăn về thủ tục pháp lý, vấn đề làm sao để thỏa mãn tái định cư cho người dân cũng gặp nhiều nan giải. Hầu hết người dân chưa biết tái định cư ở đâu, tạm cư như thế nào? Qua khảo sát lấy ý kiến cư dân tại 6 lô số, được biết nhiều người dân đồng tình việc đầu tư xây dựng dự án và có mong muốn được tái định cư tại chỗ. Do đó, quận đề xuất thành phố cho phép thực hiện dự án theo hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là sẽ thực hiện đầu tư trước tại hai lô IV và VI. Khi xây xong, sẽ chuyển người dân về tái định cư tại đây và tiếp tục giải phóng mặt bằng các lô còn lại. Tuy vậy, hình thức này gây ra khó khăn cho nhà đầu tư trong bài toán tài chính. Theo tính toán, nhà đầu tư phải bỏ hàng trăm tỷ đồng tiền vốn để triển khai dự án trong 2-3 năm mà không huy động vốn được từ nguồn khác.
Nguyên Vũ