Bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội phục hồi
Năm 2024, hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch, sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” thêm nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng vào thị trường...
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng Ban nghiên cứu thị trường và tư vấn xúc tiến đầu tư Vars, nhận định: Năm 2024, hậu thuẫn từ cơ hội phục hồi và phát triển của ngành du lịch gồm: chính sách nới lỏng visa tiếp tục phát huy tác dụng, cùng chính sách giảm thuế 2% với nhóm hàng hóa dịch vụ và nhiều chương trình xúc tiến hỗ trợ, triển lãm du lịch được tổ chức, sẽ là động lực để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, “bơm” nguồn cung vào thị trường. Dự kiến nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng có cơ hội cải thiện khoảng 20% so năm 2023. Trong đó, loại hình căn hộ biển là điểm nhấn của phân khúc, do vừa đáp ứng nhu cầu về tính sở hữu, vừa có thể khai thác cho thuê, tạo dòng tiền.
Đặc biệt, liên quan đến Nghị định 10/2023/NĐ-CP tháo gỡ cho hoạt động cấp sổ hồng của loại hình bất động sản căn hộ nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp nghỉ dưỡng… thời gian tới có thể đạt độ ngấm nhất định, đem lại hy vọng cho chủ đầu tư và nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ sự bứt phá trở lại. Ngoài ra kết hợp với chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc và chính sách thu hút khách du lịch như khách Trung Quốc, cùng các kết quả ngoại giao xuất sắc khác ở thời điểm cuối năm 2023 sẽ là tín hiệu đẩy lực cầu lên cao hơn.
Theo nhận định của VARS, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn có tiềm năng phát triển trong tương lai, với sự hỗ trợ từ nhu cầu du lịch tăng cao và sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, các chủ đầu tư cần chú trọng vào việc quy hoạch và phát triển dự án nhằm bảo vệ, tôn trọng cảnh quan tự nhiên.
ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Vars, tin rằng năm 2024 vẫn có khả năng gặp nhiều khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng, động lực đầu tư công và quy hoạch của gần 40 tỉnh, thành đã được Chính phủ phê duyệt, và dự báo tiếp tục được phê duyệt ở những tỉnh, thành khác hứa hẹn có thể gỡ khó cho nhiều dự án vướng mắc ở nội dung này.
Song cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan, để đảm bảo thị trường bất động sản có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư trong phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Được hậu thuẫn thêm từ Luật Đất Đai
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong thời gian tới, dòng kiều hối sẽ hướng tới sản phẩm căn hộ ở khu vực trung tâm các đô thị và khu vực lân cận, sản phẩm có thể khai thác vận hành cho thuê. Song son với đó, phân khúc biệt thự cao cấp cho nhu cầu để ở, sản phẩm BĐS du lịch, nghỉ dưỡng với những tiện ích đa dạng phục vụ nghỉ dưỡng, cho thuê khi số lượng kiều bào có nhu cầu quay trở về Việt Nam dưỡng già nghỉ hưu rất lớn.
Lý giải về điều này, ông Trần Văn Bình – Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích: “Việc giá nhà ở một số quốc gia đã quá cao hay việc siết các quy định nhập cư ở một số nước... cũng sẽ khiến nhu cầu sở hữu nhà nảy sinh tại Việt Nam. Theo đó, các sản phẩm BĐS được đánh giá là thanh khoản khó, kén khách sẽ là phân khúc ưa thích, phù hợp với khả năng chi trả của Việt kiều.”
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mặc dù lực lượng Việt kiều ở hải ngoại chỉ chiếm khoảng trên dưới 5% tổng dân số Việt Nam hiện nay, nhưng đây là lực lượng có đóng góp tài chính đáng kể, góp phần tăng trưởng cán cân kinh tế của đất đất. Đặc biệt, nếu tính bình quân thu nhập của đồng bào Việt kiều hiện nay khoảng 20.000 USD/năm, thì số thu nhập này đang chiếm khoảng 25% tổng thu nhập GDP của cả nước.
Phân tích thêm về vấn đề này, Chủ tịch VARS cho rằng, sự đổi mới của Luật đất đai, cho phép Việt kiều được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quan điểm phù hợp với xu hướng quốc tế, mang tính tích cực. Lượng kiều hối, ước tính hàng tỷ USD mỗi năm và đang được chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều, sẽ là trợ lực cho thị trường Bất động sản thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp địa ốc đang “khát vốn”.
Trước những thay đổi tích cực về khung pháp lý nói trên, tới thời điểm hiện tại, thị trường Bất động sản Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận một lượng lớn khách hàng mới, là Việt kiều - tiềm năng tài chính mạnh và “gu" đầu tư khác lạ, bắt đầu tìm hiểu, âm thầm “đổ" vào thị trường. Lượng giao dịch đến từ Việt kiều cũng cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước.