Trong vòng hai thập niên qua, Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp, lần lượt được phê duyệt Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21/5/2010 và Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đã trở thành người bạn đồng hành của doanh nghiệp Việt Nam khi kiên trì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa thông qua áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất tiên tiến.
Với sự hỗ trợ của Chương trình, các doanh nghiệp có được các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng khác nhau và những hệ thống, công cụ này lại đòi hỏi doanh nghiệp thực hành theo các cách thức khác nhau, ví dụ như áp dụng riêng lẻ hệ thống quản lý, công cụ năng suất chất lượng, tích hợp nhiều hệ thống quản lý với nhau, kết hợp hệ thống với công cụ… qua đó thu về những lợ ích thiết thực.
Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chủ trì hỗ trợ hàng chục nghìn doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các hệ thống, công cụ năng suất chất lượng tiên tiến. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm về áp dụng hệ thống tích hợp, kết hợp công cụ cải tiến cơ bản cho một số địa phương để chia sẻ, nhân rộng. Nhờ đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi và nâng cao năng suất chất lượng từ việc áp dụng các công cụ cải tiến.
Nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi và nâng cao năng suất chất lượng nhờ áp dụng các công cụ cải tiến. Ảnh minh họa
Điển hình tại tỉnh Phú Thọ, theo thống kê tỉnh đã phê duyệt triển khai một dự án xây dựng mô hình điểm doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng tích hợp hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến năng suất chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đồng thời hỗ trợ 79 dự án đầu tư đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 22 tỉ đồng. Tỉnh đã rà soát, bổ sung, cập nhập danh mục tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia còn hiệu lực làm cơ sở dữ liệu để hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện việc công bố tiêu chuẩn áp dụng.
Trong đó nổi bật có Công ty TNHH chè Hoài Trung, huyện Thanh Ba đã chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Bà Bùi Thị Mão - Giám đốc Công ty cho biết, thông qua các khóa đào tạo, tập huấn về năng suất chất lượng, Công ty đã chú trọng các công đoạn, quy trình sản xuất các sản phẩm. Công ty có 3 dây chuyền sản xuất khép kín với công suất máy trên 40 tấn chè búp tươi/ngày. Công ty đã được cấp chứng nhận áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000, giúp Công ty kiểm soát một cách toàn diện các khía cạnh và quá trình liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh chè. Đây là cơ sở xây dựng niềm tin của khách hàng, người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng và an toàn của sản phẩm.
Trong khi đó, tại thành phố Hà Nội một trong những doanh nghiệp nổi bật về áp dụng công cụ cải tiến Lean là Công ty May Hưng Nhân (Tổng Công ty Đức Giang). Sau 6 tháng triển khai công cụ Lean đã giảm 75% hàng tồn trên chuyền, giảm thời gian hàng ra chuyền từ 2 ngày xuống trong trong ngày, thời gian hàng nhập kho từ 5 ngày xuống 1 ngày, năng suất chuyền may tăng 25 - 30%. Đặc biệt nhất là năng suất lao động tăng đáng kể, trung bình mỗi chuyền may tăng năng suất từ 15-20%. Cá biệt có một số chuyền may năng suất lao động tăng từ 35-40%. Chất lượng sản phẩm cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hàng lỗi đã giảm từ 30% xuống dưới 15%.
Để làm được điều này không hề đơn giản. Ngay từ khi triển khai dự án, Công ty đã phải làm tỉ mỉ từ những việc nhỏ nhất. Ban dự án Lean, 5S do Phó giám đốc phụ trách sản xuất làm trưởng ban được thành lập đồng thời với các tiểu ban Lean tại từng phân xưởng sản xuất. Hợp đồng tư vấn, đào tạo được ký với Viện Năng suất Việt Nam để tập huấn cho cán bộ chủ chốt, ban dự án, các tiểu ban hiểu thế nào là sản xuất tinh gọn.
Những kiến thức cơ bản về công cụ cải tiến được khai phá một cách triệt để và cụ thể tại nhiều doanh nghiệp
Từ quá trình triển khai Lean tại Công ty, Giám đốc Nguyễn Ngọc Khanh chia sẻ, điều quan trọng nhất là người lãnh đạo phải quyết tâm, quyết liệt khi triển khai, xây dựng cơ chế giám sát thường xuyên liên tục. Đồng thời, cần đầu tư thích đáng, dài hạn cho Lean cần có cam kết cao về thực hiện triển khai các thay đổi, tạo ra được một văn hóa doanh nghiệp là luôn tư duy Lean, giảm thiểu lãng phí để tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao hiệu quả các hoạt động. Việc áp dụng phải hết sức linh hoạt để thật sự phù hợp với doanh nghiệp. Mặt khác, phải triển khai thí điểm, sau đó đánh giá kết quả và rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mới đảm bảo an toàn cho sự thay đổi.
Tại tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bắc Ninh đã thực hiện đề án “Tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật để doanh nghiệp áp dụng công cụ cải tiến liên tục (Kaizen) trong sản xuất chế tạo” với mục tiêu trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tỉnh Bắc Ninh áp dụng mô hình Kaizen trong hoạt động sản xuất chế tạo; nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia cung ứng cho các Tập đoàn đa quốc gia và mạng lưới sản xuất toàn cầu và từ các mô hình điểm để nhân rộng, tăng cường hoạt động cắt giảm lãng phí trong các doanh nghiệp sản xuất nói chung.
Việc thực hành các công cụ cải tiến Kaizen bước đầu thể hiện như: Ứng dụng 3S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ). Trong việc sàng lọc, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, phân loại, bố trí nguyên vật liệu, thành phẩm gọn gàng, khoa học, dễ tìm kiếm hơn; vệ sinh công nghiệp các phân xưởng, có quy định về vệ sinh thường xuyên trong khu vực công ty. Ứng dụng hệ thống nhận diện lỗi tổn thất và giảm thiểu lỗi tổn thất trong sản xuất, bố trí lại sản xuất theo hướng khoa học, hiệu quả hơn theo đúng dòng chảy nguyên vật liệu. Ứng dụng công cụ quản lý chất lượng tổng thể (TQM - Total quality management) đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều máy móc nhằm bảo đảm duy trì chất lượng hoạt động như: công việc tiêu chuẩn cho nhân viên đứng máy, hình ảnh hướng dẫn trực quan và hệ thống tiếp nhận lỗi bán tự động…
Có thể nói, hiện nay, việc áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng cao năng suất, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.