Doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới xanh hóa các hoạt động kinh doanh

(CL&CS)- Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới xanh hóa các hoạt động kinh doanh.

Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, phát triển bền vững trở thành vấn đề cấp thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phát biểu tại "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu" do Báo Điện tử VOV tổ chức, Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, trong thời gian gần đây cả hệ thống chính trị đang bàn rất nhiều về những công việc cần chuẩn bị cho kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên vươn mình.

Đài Tiếng nói Việt Nam cũng là một trong những cơ quan đầu tiên rất nhanh cho ra mắt chuỗi chương trình chính luận nghệ thuật, Báo Điện tử VOV cũng đã cho ra mắt chuyên trang Kỷ nguyên vươn mình. Các chương trình của VOV đã thu hút rất nhiều ý kiến quan trọng của các lãnh đạo, chuyên gia trong nước và quốc tế, đặc biệt là ý kiến của Tổng Bí thư Tô Lâm bàn về những việc Việt Nam cần làm để hướng tới một kỷ nguyên phát triển mới.

Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng

Chúng tôi hiểu rằng, để đạt được những thành tựu phát triển xứng đáng với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đòi hỏi mỗi cá nhân, tổ chức cần có những cố gắng vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, cũng như cần những ý kiến góp ý rất trí tuệ, tâm huyết với sự phát triển của đất nước để giúp các nhà quản lý có các chính sách đúng đắn đóng góp vào sự phát triển mới.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế, môi trường đã cùng thảo luận, trao đổi thông tin và khẳng định cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân, cộng đồng về những cơ hội, chính sách mới trong phát triển kinh tế xanh bền vững gắn với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế xanh vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh sẽ đạt từ 3,3-3,5% GDP.

Nguyễn Quốc Việt khẳng định rằng giảm phát thải khí nhà kính là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Theo đó, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các chương trình đánh giá mức độ phát thải của từng ngành, từ đó đặt ra những mục tiêu cụ thể để các doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Việt chia sẻ một thực tế rằng: "Nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang đầu tư vào Việt Nam cho rằng, nếu Việt Nam không có chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các doanh nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn không chỉ về xuất khẩu mà còn có nguy cơ làm thu hẹp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam".

Có thể nói, nếu các doanh nghiệp không lên kế hoạch giảm lượng khí thải carbon, sản phẩm xuất khẩu sẽ khó cạnh tranh và giữ được vị thế trên thị tường, gặp khó khăn cả về chi phí thuế và cả vấn đề uy tín. Bên cạnh đó, các chính sách định hướng và người tiêu dùng cũng sẽ lựa chọn và loại bỏ dần các sản phẩm không trong danh mục xanh.

Trước thực trạng trên, ông Việt cho biết: "Các chiến lược chung đến các chính sách của bộ ngành cũng cần hướng đến phát triển xanh để thích ứng với những rào cản quốc tế".

Đồng thời, ông nhấn mạnh, chính cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đang tạo ra những cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, mở rộng thị trường, tiếp cận các thị trường khó tính hơn, cũng như nâng cao khả năng tích hợp công nghệ sạch. 

Tuy nhiên, áp lực đang ngày càng tăng lên các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự trỗi dậy của các rào cản thương mại như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, sản phẩm của chúng ta sẽ khó lòng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất mà còn làm giảm đi uy tín của hàng Việt Nam.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới xanh hóa các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng đang đặt ra những yêu cầu mới. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, và những doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu này sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.

TIN LIÊN QUAN