Doanh nghiệp bất động sản đón những xu hướng tích cực

(CL&CS) - Theo các chuyên gia, với tác động của các chính sách mới, thị trường bất động sản dự báo sẽ khởi sắc vào năm 2024. Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án.

Thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu phục hồi. Ảnh minh họa

Nhiều thương vụ lớn được kết giao

Tuy còn nhiều thách thức nhưng các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện là thời điểm phù hợp để các doanh nghiệp tăng cường các hoạt động thâu tóm hoặc liên kết hợp tác, đặc biệt là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh.

Điển hình, đầu tháng 12 vừa qua, Công ty CP Đầu tư TTCapital cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản là Cosmos Initia (thành viên của Daiwa House Group) và Koterasu vừa ra mắt liên doanh hợp tác dài hạn trong việc phát triển các dự án bất động sản vừa túi tiền tại Việt Nam. Liên doanh dự kiến sẽ đầu tư khoảng 150 triệu USD trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 1.000 căn hộ vừa túi tiền. Trong đó, liên doanh TTCapital cùng 2 đối tác sẽ chung tay thực hiện dự án bất động sản tại TP Dĩ An (tỉnh Bình Dương) với quy mô dự án khoảng 2.000 căn hộ (diện tích khoảng 50-60m2/căn, giá dưới 35 triệu đồng/m2, tương đương dưới 2 tỷ đồng/căn). Liên danh đã hoàn tất việc góp vốn cho dự án đầu tiên trong tháng 11/2023. Theo đại diện liên danh, dự án đầu tiên này đang được làm thủ tục cần thiết để có thể ra mắt thị trường vào giữa năm 2024.

Hưng Thịnh bắt tay với Marubeni - tập đoàn thương mại đầu tư đa ngành lớn nhất Nhật Bản để hợp tác phát triển một dự án tọa lạc tại TP Thủ Đức (TPHCM), với tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn Surbana Jurong (đối tác đến từ Singapore) ký kết hợp tác với Kim Oanh Group nhằm phát triển các dự án do Kim Oanh làm chủ đầu tư.

Keppel Land (Singapore) thông qua công ty con Prime Vietnam (VNPV) mua lại 65% cổ phần tại một doanh nghiệp sở hữu bán lẻ tại Hà Nội. Tương tự, đối tác đến từ Malaysia là Tập đoàn Gamuda Berhad thông qua công ty con Gamuda Land ký thỏa thuận mua lại toàn bộ cổ phần của 3 cá nhân trong Công ty CP bất động sản Tâm Lực với trị giá đạt 305 triệu USD. Qua đó trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68ha tại TP Thủ Đức (TPHCM). Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án hỗn hợp cao tầng, gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.

Theo số liệu từ KPMG (một trong những công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp lớn nhất tại Việt Nam), trong 10 tháng đầu năm 2023, bất động sản là lĩnh vực đứng nhì về quy mô mua bán sáp nhập (M&A), chiếm 23% trong 4,4 tỷ USD giao dịch toàn thị trường Việt Nam. Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG tại Việt Nam và Campuchia nhìn nhận, xu hướng chung Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng và M&A đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của nhiều tập đoàn lớn.

Thay đổi để đón đầu xu hướng mới

Song song đó, với tác động của các chính sách mới, thị trường bất động sản dự báo sẽ khởi sắc vào năm 2024. Thông tin tại Hội nghị Bất động sản Việt Nam- VRES 2023 diễn ra cuối tuần qua, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, theo chỉ số Vn-Index, lĩnh vực bất động sản được các nhà đầu tư đánh giá khá tích cực, giá cổ phiếu bất động sản tăng gần 10%. Trong khi năm ngoái cổ phiếu bất động sản giảm 38%.

Đặc biệt, những chính sách liên quan đến bất động sản đã được Quốc hội thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực vào quý 1/2025. Bên cạnh đó, với việc thông qua Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), sắp tới năm 2024 Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến cũng có thể sẽ được thông qua. Điều này sẽ mang lại nhiều năng lượng tích cực cho ngành bất động sản.

Song theo TS Cấn Văn Lực, để đón đầu xu hướng bất động sản trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Đồng thời, cần quyết tâm vượt qua áp lực tài chính, bao gồm tất cả nghĩa vụ liên quan đến nợ. Cùng với việc đàm phán để giãn hoãn nợ, doanh nghiệp cũng cần cơ cấu lại tài chính để bảo đảm trả nợ đúng hạn. Trong trường hợp cần thiết, doanh nghiệp bán bất động sản ở mức chiết khấu thấp hơn để bảo đảm dòng tiền. Doanh nghiệp cần chủ động trong tiến trình xanh hoá, số hoá, đây vừa là giải pháp trước mắt, vừa là biện pháp lâu dài để phát triển thị trường bất động sản minh bạch và bền vững.

Ông Bạch Dương, Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, dù ngành bất động sản đang khó khăn nhưng tiềm năng của thị trường là rất lớn vì nhu cầu sở hữu và ở thực của người dân luôn hiện hữu. Khó khăn cũng tạo động lực để các chủ đầu tư linh hoạt thích ứng, cơ cấu doanh nghiệp và sản phẩm phù hợp với bối cảnh mới. Đây cũng là cơ hội cho công nghệ bất động sản (Proptech) được cải tiến và nâng cao vai trò để có những đóng góp lớn hơn cho ngành bất động sản Việt Nam.

Bàn về xu thế phát triển Proptech, ông Bạch Dương cho biết hiện nay đang có các xu hướng chính là: sử dụng dữ liệu lớn trong nghiên cứu thị trường bất động sản và đưa ra chiến lược kinh doanh; ứng dụng các công cụ thông minh trong quản lý và vận hành bất động sản​; số hóa ở doanh nghiệp bất động sản truyền thống​; và ứng dụng công nghệ hỗ trợ môi giới và bán bất động sản.​ Những xu hướng Proptech này sẽ hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển minh bạch, bền vững của thị trường địa ốc.

TIN LIÊN QUAN