Rũ bỏ trái đắng
Sau 3 năm sở hữu Công ty chứng khoán Xuân Thành (trước có tên là Chứng khoán Vincom) với tâm lý biến chuyển từ hào hứng cho đến thất vọng rồi chán nản, ông Nguyễn Đức Thụy đã chính thức rũ bỏ “gánh nặng” đeo đẳng này.
Toàn bộ hơn 22 triệu cổ phiếu VIX đã được bán thỏa thuận trong đúng một phiên giao dịch cuối tháng 3. Ông Nguyễn Đức Thụy đã chính thức rút chân ra được khỏi vũng lầy mà có lẽ đã tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc của mình.
Trái ngược với thái độ đầy hào hứng và tự tin hồi đầu nhập cuộc, doanh nhân từng gắn với khá nhiều đội bóng đã âm thầm lặng lẽ chuyển nhượng toàn bộ “cái duyên với chứng khoán” trong bối cảnh TTCK sôi động, nhiều người quan tâm và nhảy vào.
Quyết định rút lui của bầu Thụy xem ra không có gì ngạc nhiên bởi ông chủ của Tập đoàn Xuân Thành đã nếm trái đắng cùng với VIX với những khoản lỗ hơn 51 tỷ đồng ngay trong năm đầu sở hữu và sống lay lắt cùng sự ảm đạm của TTCK sau đó.
Rũ bỏ là từ mà nhiều NĐT nói đến cuộc chia tay của bầu Thụy với chứng khoán, nhưng đây cũng là từ được dùng cho nhiều đại gia khác đã, đang và có kế hoạch thoái lui khỏi “người đẹp đỏng đảnh” này.
Cuối tháng 3/2014, tại đại hội cổ đông công ty, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết HĐQT đã nhận thấy sai lầm đối với các khoản đầu tư tài chính trước đây và sẽ thoái vốn những khoản này. Cụ thể, PNJ đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Công ty chứng khoán Đại Việt.
Trong những ngày cuối cùng của 2013, Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã bán toàn bộ 8,7% vốn cổ phần của Công ty chứng khoán KIS. Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank), Đầu tư Phú Mỹ và ông Lê Hữu Báu cũng đã thoái toàn bộ vốn (tổng cộng gần 83%) tại CTCP Chứng khoán Đông Nam Á.
Khá nhiều đại gia dứt khoát thoái lui, như trường hợp Công ty Việt Trang bán 10% vốn ở Chứng khoán Liên Việt (LVS); Đầu tư và Phát triển Đô thị Long Giang (LGL) bán 9% vốn tại Chứng khoán An Phát (APG); bà Nguyễn Thị Lan Anh bán 15% vốn Chứng khoán Hùng Vương; Công ty Kinh doanh Giải pháp bán gần 22% vốn Chứng khoán Châu Á…
Gần đây, nhiều NĐT lớn cũng đã thoái vốn hoặc đăng ký thoái vốn tại các CTCK, như trường hợp ông Phạm Uyên Nguyên thoái hơn 2,2 triệu cổ phiếu Chứng khoán Dầu khí (PSI); Xổ số và Đầu tư Tài chính Hải Phòng tiếp tục đăng ký bán thêm 2 triệu cổ phiếu Chứng khoán Hải Phòng (HPC) (trước đó đăng ký bán 2 triệu HPC nhưng bán vượt hơn 400.000 cổ phiếu)…
Nhiều NĐT thậm chí rũ bỏ chứng khoán một cách âm thầm và đau đớn hơn nhiều, điển hình là sự biến mất của nhiều cái tên CTCK như Chợ Lớn, Cao Su, Sao Việt, SME, Hà Nội, Trường Sơn…
Ai dang tay đón nhận?
Trừ những trường hợp âm thầm tự chết hoặc phá sản, giải thể, nhiều CTCK đang đón nhận các ông chủ mới, những đại gia đang đánh cược vào sự phục hồi của TTCK nói chung, của quá trình tái cấu trúc TTCK, tái cấu trúc các CTCK.
Những người “ra đi” đã lộ diện. Vậy thì ai là người dang tay đón nhận các CTCK, đầu tư vào các CTCK này?
Câu hỏi này cũng được đặt ra hồi cuối năm 2011, khi các lãnh đạo Vincom thoái vốn khỏi VIX. Không lâu sau đó, với tính cách ưa đình đám, nổi bật, bầu Thụy đã nhanh chóng được biết đến là đại gia mới trong làng chứng khoán.
Còn nay, khi mà bầu Thụy thoái toàn bộ vốn tại VIX, thì ai là người thế chân? Trong thông báo, VIX chưa tiết lộ thông tin này.
Trên thực tế, việc các NĐT lớn bỏ tiền chục – trăm tỷ vào các CTCK là điều bình thường, nhất là trong bối cảnh quá trình tái cấu trúc đang diễn ra mạnh mẽ. Cái chán của người này có thể là cái thèm của người khác. Người này thất bại nhưng người khác lại thành công.
Mặc dù vậy, vẫn không ít người tò mò, thực sự quan tâm tới những ông chủ mới đang dấn thân vào các CTCK.
Thực tế, khoảng một năm qua, giới đầu tư đang chứng kiến một nhóm đối tượng có năng lực về vốn và giàu kinh nghiệm đang thâm nhập vào lĩnh vực này. Đó chính là khối các NĐT nước ngoài.
Trong lúc các ông chủ nội đang tìm cách thu hồi những đồng vốn bị chôn chặt trong các CTCK lắt lay thì nhiều NĐT ngoại cũng đã và đang tìm tới các DN xương sống của TTCK.
Năm ngoái, Maybank Kim Eng đã chính thức trở thành CTCK 100% vốn nước ngoài đầu tiên, khi khối ngoại sở hữu toàn bộ cổ phần của DN.
Còn ở Chứng khoán KIS, Vinatex đã bán vốn tại CTCK này cho Korea Investment Securites. Tổ chức Hàn Quốc này đã được vượt rào nắm giữ hơn 90% cổ phần ở đây. Chứng khoán Hùng Vương trước đó cũng chứng kiến một NĐT nội bán 15% vốn cho cổ đông ngoại Tong Chin Hen (hiện năm giữ hơn 45%).
Gần đây, có không ít các DN cũng đã tính tới phương án bán vốn cho NĐT ngoại. Chứng khoán Kim Long (KLS) đã xin được đại hội cổ đông thông qua chủ trương nâng tỷ lệ vốn ngoại lên 65% (khi pháp luật cho phép), trong khi Chứng khoán An Phát (APG) sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên mức tối đa là 90% nếu được phép. Hiện tại, APG đã tìm được một số đối tác và đang trong quá trình đàm phán.
Bên cạnh khối ngoại, không ít các đại gia trong nước vẫn tiếp tục quan tâm đổ vốn vào chứng khoán.
Cú thoái vốn tổng cộng hơn 84% tại Chứng khoán Đông Nam Á cũng đã được 6 NĐT cá nhân và 2 tổ chức nội mua vào, bao gồm Công ty Đầu tư tài chính và TM Tần Phát, Công ty Thương mại sản xuất Kim Phúc (17,25% vốn), bà Vũ Kim Thanh, Vũ Thị Hạnh… Hay Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàn Lộc Việt mua gần 22% vốn của Chứng khoán châu Á từ một DN nội khác.
Các CTCK đang tái cấu trúc. Việc thay đổi các ông chủ, thay đổi lãnh đạo tất nhiên sẽ diễn ra mạnh mẽ. Người cũ đi, người mới đến thay chỗ là bình thường. Tuy nhiên, không ít người lo ngại sự thế chỗ chỉ thay đổi về mặt hình thức, từ người này qua chủ khác, mỗi người thử một tí bởi quá trình tái cấu trúc đã diễn ra vài năm qua nhưng kết quả thực sự vẫn chưa được như kỳ vọng. Những chuyển dịch chủ gần đây liệu có phải chỉ nhờ TTCK sôi động?
Theo VEF