Chuyển đổi số - xu hướng của ngành dịch vụ tài chính |
Thị trường tài chính ngân hàng cạnh tranh ngày càng quyết liệt, các ngân hàng đã và đang tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ số vào phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số còn phụ thuộc vào thực tế công nghệ tài chính và sự sẵn sàng của các ngân hàng.
Chia sẻ tại hội thảo “Chuyển động của dịch vụ tài chính trong thời đại số” ngày 5/12, ông Phạm Minh Tùng, Trưởng nhóm nghiên cứu Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, mang đến bức tranh về thói quen tiêu dùng thời số hóa và dự báo sự thay đổi của hành vi tiêu dùng trong tương lai với những kết quả khảo sát giá trị.
Ông Phạm Minh Tùng dự báo sự thay đổi của hành vi tiêu dùng trong tương lai với những kết quả khảo sát giá trị nghiên cứu thị trường của Nielsen tại Việt Nam. |
Theo ông Tùng, các xu hướng công nghệ đang thu hút sự chú ý trên thị trường như AI, IoT, Robotics hay 5G đang định hình lại thị trường, tạo ra một thế hệ người tiêu dùng mới với hành vi khác hoàn toàn so với 5, 7 năm trước đây. Người tiêu dùng hiện tại cần sự tiện lợi, cá nhân hóa, và đặc biệt là không trung thành với bất kỳ thương hiệu nào. Vậy nên chính doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị để đáp ứng những nhu cầu này. Với doanh nghiệp dịch vụ tài chính, nếu có những sản phẩm được xây dựng dựa trên việc nghiên cứu hành vi người tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng online, thì đó là một lợi thế.
Cùng nhận rõ vai trò quan trọng của việc chuyển đổi số, ông Nguyễn Hoàng Ly - TGĐ Công ty Finteck, cho rằng công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tiếp cận những thị trường mới nhanh và mạnh hơn. Tuy vậy, ông cảnh báo việc này cũng đồng thời mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy, doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh được.
“Áp lực của doanh nghiệp Fintech trong nước sẽ ngày càng lớn vì các doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Nếu một số doanh nghiệp Fintech phát triển tương đối thì sẽ bị các tập đoàn lớn của nước ngoài mua lại. Vì vậy về lâu dài, không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài sẽ làm chủ lĩnh vực Fintech của Việt Nam” - ông Ly nói.
Với hơn 50% thị phần, FECredit hiện là công ty tài chính tiêu dùng áp dụng nhiều giải pháp "số" để nâng cao trải nghiệm người dùng.
Ông Kalidas Ghose - Tổng Giám đốc FECredit, cũng cho thấy doanh nghiệp cần “làm chủ công nghệ” và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam. “Hiện nay, FECredit đã ra mắt ứng dụng $NAP, nếu như trước đây quy trình cho vay mất 4, 5 ngày thì thông qua ứng dụng này, thời gian chỉ còn 15 phút và quy trình duyệt vay không có sự tham gia của con người" - ông nói.
Sự phát triển của thị trường thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là ví điện tử, cũng đã có những bước chuyển mình nhanh chóng trong thời gian qua. Lãnh đạo các công ty hàng đầu về cung cấp dịch vụ ví điện tử như Momo, Payoo, SmartPay đã chia sẻ cách mà họ dần thay đổi thói quen tiêu dùng để tạo ra lớp khách hàng mới. Đồng thời, đại diện các công ty đã thảo luận về những thách thức mà họ phải đối mặt khi công nghệ và hành vi người dùng thay đổi từng ngày.
Nguyễn Ngọc