Chuyển đổi phương pháp trồng hành tím cho năng suất chất lượng cao

(CL&CS)- Để giúp nông dân Vĩnh Châu gia tăng năng suất chất lượng từ hành tím, thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trong khâu sản xuất.

Trồng hành hữu cơ đang là một trong những xu hướng mới của ngành nông nghiệp hiện nay, và ở Sóc Trăng, một trong những vùng sản xuất hành lớn của Việt Nam, việc trồng hành hữu cơ đang được đẩy mạnh. Sản xuất hành hữu cơ không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng, mà còn có nhiều lợi ích khác đối với nông dân và môi trường.

Theo một số chuyên gia nông nghiệp, việc trồng hành hữu cơ sẽ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp trồng hành hữu cơ khác, nông dân có thể tăng cường đất đai, giảm thiểu sự phát triển của sâu bệnh và cải thiện chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, hành hữu cơ có giá trị kinh tế cao hơn so với hành truyền thống, do đó nông dân sẽ có lợi nhuận cao hơn khi bán sản phẩm của mình. 

Chuyển đổi phương pháp trồng hành tím cho năng suất chất lượng cao

Hành tím là một trong những cây trồng chủ lực, đem về nguồn thu nhập chính cho người trồng hành ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Tính riêng vụ hành tím thương phẩm trồng phục vụ thị trường trong dịp tết Nguyên đán năm 2024 đến nay, nhiều hộ dân có lợi nhuận rất tốt, bởi hành trúng mùa, được giá nên hộ dân rất phấn khởi.

Diện tích trồng hành tím của thị xã Vĩnh Châu hằng năm hơn 7.000ha, với khung lịch mùa vụ bắt đầu vụ hành từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau. Cụ thể, hành sớm sẽ trồng từ tháng 11/2023 và thu hoạch vào tháng 1, 2 năm 2024 (vụ hành này thường được hộ dân trồng để bán trong dịp tết Nguyên đán) và hành mùa trồng vào tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, thu hoạch vào tháng 2 đến tháng 4/2024.

Hiện nay, hành tím Vĩnh Châu được trồng tập trung tại các xã: Vĩnh Hải, Lạc Hòa, Lai Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Hiệp và phường 1, phường 2, phường Vĩnh Phước. Hầu hết nông dân trồng hành tím nơi đây đều có xu hướng chuyển đổi phương pháp trồng theo hướng hữu cơ.

Gia đình bà Sơn Thị Tonh ở ấp Wáth Pích, phường Vĩnh Phước (thị xã Vĩnh Châu) hiện có 3.000m2 trồng hành tím theo hướng hữu cơ trên bờ bao nuôi tôm. Vụ này, bà Tonh vô cùng phấn khởi khi tạo ra sản phẩm an toàn, đạt sản lượng gần 6 tấn. Thương lái thu mua tại ruộng với giá 23.000 đồng/kg, trừ chi phí bà có lợi nhuận gần 50 triệu đồng/vụ.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước đây, bà con trồng hành tím rải vụ nên khi đến mùa thu hoạch không còn xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản, việc này sẽ giúp cho tình hình tiêu thụ ổn định, tránh tình trạng rớt giá, giúp cho nông sản có giá, nông dân có lãi. Để giúp nông dân Vĩnh Châu gia tăng năng suất chất lượng từ hành tím, thời gian qua, Ngành Nông nghiệp Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu đẩy mạnh việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với người dân trong khâu sản xuất; giúp nông dân giảm thiểu những tác động bất lợi của yếu tố thời tiết, nhất là việc xây dựng các mô hình trồng hành đạt hiệu quả cao, sản xuất hành tím theo hướng sinh học... Qua đó, giúp cho nông dân tăng lợi nhuận, giảm chi phí đầu tư và đảm bảo được khâu tiêu thụ hiệu quả, ổn định.

Ông Mã Chí Thọ - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Vĩnh Châu khẳng định: “Nếu hành tím sớm giữ ổn định ở mức giá này thì bà con có thu nhập khá cao. Đặc biệt, đối với những mô hình trồng hành tím theo hướng sinh học thì giá trị và chất lượng củ hành được nâng lên rất nhiều. Mô hình này đã góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường; làm đất tơi xốp, tạo môi trường sống cho các hệ vi sinh có ích phát triển và sẽ hạn chế được một số đối tượng gây bệnh, giúp cây hành phát triển tốt, góp phần tăng năng suất và chất lượng củ hành tím”.

Có thể nhận thấy rằng, việc sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm sinh học mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ cho người sản xuất và người tiêu dùng, mà còn đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ môi trường, làm chuyển biến nhận thức của nông dân về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần tăng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh trên thị trường, tạo nền tảng phát triển vùng trồng hành tím an toàn, chất lượng của tỉnh.

Thực hiện mô hình trồng hành tím hữu cơ, bà con có điều kiện tiếp cận xu hướng phát triển nông nghiệp sạch khi sử dụng phương pháp bón lót hoàn toàn bằng phân hữu cơ, giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật so với cách trồng truyền thống. Sau 3 tháng trồng và chăm sóc, mô hình trồng hành tím hữu cơ kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh, cũng như áp dụng đồng bộ kỹ thuật canh tác của Ban Quản lý Đề án thì năng suất và chất lượng củ hành có sự thay đổi rất rõ. Khi áp dụng quy trình trồng hành tím hữu cơ, sâu bệnh gây hại trên hành ít xảy ra nên năng suất đạt cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống; tần suất bón phân, xịt thuốc phòng trừ sâu hại ít, giúp nông dân tiết giảm được đến 50% chi phí sản xuất. Điều quan trọng là củ hành tím hữu cơ cho thời gian bảo quản lâu hơn, tránh được tình trạng hành bị úng, hư thối trong trường hợp bị tồn đọng do dội hàng.

TIN LIÊN QUAN