Chuẩn hóa chất lượng nông sản để xuất khẩu sang Trung Quốc bền vững

(CL&CS) - Thị trường Trung Quốc có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các quy định, rào cản kỹ thuật

Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản giữa hai nước đạt 6,2 tỷ USD (tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 4,6 tỷ USD (tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023), nhập khẩu ước đạt 1,6 USD (tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2023).

Với dân số hơn 1,4 tỷ người, tầng lớp trung lưu ngày càng lớn, Trung Quốc là thị trường lớn cho nhiều loại mặt hàng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao. Tuy nhiên, thị phần của nông sản Việt Nam tại đây còn tương đối nhỏ, chiếm chưa đến 5% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này của Trung Quốc. Đây cũng chính là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng thị phần các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao của mình tại thị trường Trung Quốc.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đến thời điểm hiện tại, hai Bên đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ/Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản giữa hai nước, đây thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực của hai Bên.

Hiện có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong đó bao gồm 12 mặt hàng rau quả (dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.

Đáng chú ý, dừa tươi, sầu riêng đông lạnh, cá sấu, gia cầm… là danh sách nối dài có thể được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới. Nông sản Việt Nam lại có thêm cơ hội thu thêm nhiều tỷ USD từ thị trường này.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, sau 5 năm đàm phán, những lô sản phẩm tổ yến Việt Nam đầu tiên đã chính thức được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu mốc mở ra cơ hội bước vào thị trường tỷ dân của một trong những sản phẩm có giá trị rất cao của ngành chăn nuôi Việt Nam.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hóa Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu.

Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này.

Hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao

Song bên cạnh những cơ hội to lớn, việc xuất khẩu hàng nông sản vào Trung Quốc cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Hiện nước này có yêu cầu ngày càng cao về chất lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các quy định, rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc.

Hơn nữa, những hạn chế trong khâu tổ chức sản xuất và thiếu mô hình sản xuất theo chuỗi do quy mô nhỏ lẻ, phân tán gây khó khăn cho hoạch định đầu tư, quản lý chất lượng. Điều này khiến chất lượng nông sản, trái cây Việt Nam không đồng đều. Mặc dù có sự cải thiện đáng kể, tuy nhiên năng suất cây ăn quả Việt Nam nhìn chung còn thấp so với bình quân chung thế giới và khu vực, làm giảm hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, Trung Quốc là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe, nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao. Hay nói cách khác là doanh nghiêp cần định vị lại sản phẩm của mình, đã thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải tính đến việc tồn tại và phát triển lâu dài.

Theo ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi thuộc Bộ Công Thương cho biết, để phát triển thị trường Trung Quốc thì việc nắm bắt thông tin kịp thời và thích ứng linh hoạt với những thay đổi ở thị trường này là vô cùng cần thiết để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu.

Hiện nay, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam cơ bản đã chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý là làm sao giữ vững được thị phần cũng như tăng thêm giá trị gia tăng cho trái cây xuất khẩu. Đối với các loại nông sản mà tỷ trọng giá trị xuất khẩu sang thị trường còn khiêm tốn như xoài, nhãn,... cần chú trọng công tác nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại để đẩy mạnh giá trị xuất khẩu sang thị trường này.

Đồng thời, chủ động tuyển dụng nhân viên thông thạo tiếng Trung để có thể giao dịch trực tiếp, tìm hiểu thông tin thị trường cũng như các quy định liên quan của phía Trung Quốc để chủ động hơn trong kinh doanh với thị trường này.

Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Dự báo thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm, nhất là khi nhiều mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam được dự báo tiếp tục được khơi thông tại thị trường Trung Quốc. Cùng với việc các địa phương, doanh nghiệp cần bảo đảm nguồn cung chất lượng, tăng cường chế biến rau quả phục vụ xuất khẩu. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ngành hàng này kỳ vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

TIN LIÊN QUAN