Chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP: Nâng cao chất lượng thịt gà và chuyển giao các tiến bộ khoa học mới về chăn nuôi

(CL&CS) - Chăn nuôi gà theo quy trình VietGAHP không những đảm bảo chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường mà còn giúp cho người tiêu dùng an tâm hơn với sản phẩm gà sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường tiêu thụ ổn định, hướng tới xây dựng và phát triển chuôi cung ứng sản xuất thịt gà tiêu chuẩn chất lượng cao, xuất khẩu thị trường Quốc tế.

Để phát triển chăn nuôi bền vững tại địa phương, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao vùng an toàn dịch bệnh trên gia cầm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai Mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 3 hộ dân ở xã Yên Trạch, huyện Phú Lương.

Chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP

Chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, người nuôi có thể kiểm soát được lượng thuốc kháng sinh dùng cho phòng bệnh và xử lý nền chuồng trong quá trình chăn nuôi, giúp hạn chế việc sử dụng kháng sinh và các loại thuốc kích thích. Nhờ đó, gà đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mô hình có quy mô 500-3.000 con/hộ, sử dụng giống gà Ri lai nuôi theo phương thức bán chăn thả có hàng rào, lưới, tường bao quanh tách biệt với nơi ở của con người. Áp dụng quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAP từ khâu chọn giống, chuồng trại, thức ăn, phòng bệnh,… giúp hạn chế lây lan dịch bệnh, giảm sử dụng kháng sinh, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ đảm bảo an toàn dịch bệnh, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Cụ thể, với quy mô 1.000 con gà Ri lai, nuôi 13 tuần tuổi, giá bán hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg, người luôi có lãi trên dưới 25 triệu đồng (chưa tính công lao động và khấu hao chuồng trại).

Mức lợi nhuận trên thực sự tạo ra sức hấp dẫn lớn lan tỏa và thu hút thêm nhiều nông hộ tại địa phương tham gia mô hình chăn nuôi gà VietGAP. Là hộ tiên phong tham gia mô hình, anh Lộc Văn Tịnh đang nuôi 4.000 con/lứa theo quy trình VietGAP cho biết, việc chuyển từ chăn nuôi truyền thống sang VietGAP giúp gia đình hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, từ đó chất lượng thịt được cải thiện và có nhiều đơn vị tin tưởng thu mua.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng thịt gà và chuyển giao các tiến bộ khoa học mới về chăn nuôi gà tới người dân, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai  mô hình nhân rộng chăn nuôi gà lông màu thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hóa Trung. Theo đó, quy mô chăn nuôi là 4.400 con gà Lai Hồ, với 3 hộ tham gia. Các hộ dân được hỗ trợ 70% con giống, thức ăn cho gà, 35.200 liều thuốc vắc xin phòng bệnh và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi

Sau hơn 3 tháng chăn nuôi, tỷ lệ gà sống đạt 95%; trọng lượng gà sau 13 tuần tuổi đạt trung bình 2,6kg. Việc chăn nuôi gà theo tiêu chuẩn VietGAP giúp hạn chế tối đa dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh Gumboro, Newcastle... Đến nay, một số hộ tham gia mô hình đã xuất bán và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện một số hộ dân trên địa bàn xã Hóa Trung cũng đã học hỏi mô hình và chăn theo hướng VietGAP với tổng đàn khoảng 2.000 con gà.

Đại diện Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Thái Nguyên đã trao giấy Chứng nhận VietGAP cho Tổ hợp tác chăn nuôi gà Hóa Trung.

TIN LIÊN QUAN