Những công cụ cải tiến năng suất, chất lượng doanh nghiệp cần biết
Giai đoạn hiện nay, thị trường đang thay đổi nhanh chóng, khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm và dịch vụ, việc duy trì mô hình sản xuất cũ, quản lý thủ công hay quy trình kém hiệu quả sẽ khiến doanh nghiệp nhanh chóng bị tụt lại phía sau. Vì thế, việc cải tiến năng suất và chất lượng không chỉ giúp giảm lãng phí, tăng lợi nhuận, mà còn là nền tảng để doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp từng bước nâng cao hiệu suất lao động
Hiện nay, có nhiều công cụ đã được minh chứng hiệu quả tại các quốc gia phát triển và ngày càng được ứng dụng rộng rãi tại Việt Nam. Các công cụ này giúp doanh nghiệp từng bước cải thiện quy trình, nâng cao hiệu suất lao động, chất lượng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng:
5S (Sàng lọc – Sắp xếp – Sạch sẽ – Săn sóc – Sẵn sàng): Là nền tảng đầu tiên trong quản lý hiệu quả tại nơi làm việc, 5S giúp xây dựng môi trường làm việc khoa học, gọn gàng, loại bỏ sự lãng phí, tăng năng suất và an toàn lao động.
Kaizen (Cải tiến liên tục): Triết lý "hôm nay tốt hơn hôm qua" khuyến khích mọi nhân viên trong tổ chức tham gia vào quá trình cải tiến, từ đó tạo ra văn hóa đổi mới bền vững.
Lean (Sản xuất tinh gọn): Tập trung vào việc loại bỏ lãng phí trong quy trình sản xuất – như thời gian chờ đợi, dư thừa nguyên vật liệu, thao tác thừa – từ đó giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng chảy giá trị.
Six Sigma: Là phương pháp cải tiến chất lượng dựa trên dữ liệu và phân tích thống kê, nhằm giảm thiểu sai lỗi và nâng cao độ chính xác trong quy trình sản xuất – dịch vụ.
ISO và các hệ thống quản lý tích hợp (ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001...): Các tiêu chuẩn quốc tế giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản lý chuyên nghiệp, minh bạch và hướng đến sự hài lòng của khách hàng.
Thực tiễn từ doanh nghiệp Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ và chế biến xuất khẩu đã từng bước ứng dụng các công cụ này và đạt được kết quả ấn tượng như: Giảm 20-30% thời gian sản xuất, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng chi phí nguyên liệu mỗi năm, giảm tỉ lệ lỗi sản phẩm xuống dưới 1%, nâng cao rõ rệt sự hài lòng của khách hàng.
Các doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới và ứng dụng các công cụ quản lý hiện đại
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng các tổ chức như Uỷ ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất chất lượng, như: Chương trình 712, Đề án 1322 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Chính phủ Việt Nam đã hoạch định một lộ trình chuyển đổi kinh tế đầy tham vọng, với Quy hoạch Tổng thể Quốc gia 2021 - 2030 và Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra yêu cầu cần thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp cận các chương trình đào tạo, tư vấn, hỗ trợ tài chính để triển khai hiệu quả các công cụ cải tiến. Với tầm nhìn xa, trông rộng, các doanh nghiệp đã không ngừng đổi mới và ứng dụng các công cụ quản lý hiện đại như Lean, Six Sigma, 5S, Kaizen, TPM, KPI hay ISO để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Dưới đây là những mô hình áp dụng thành công điển hình:
Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã áp dụng TPM và ISO 22000. Cụ thể, Vinamilk đã đầu tư mạnh vào các công nghệ sản xuất tự động và áp dụng TPM để tối ưu hiệu suất thiết bị, giảm thiểu thời gian dừng máy và tăng tuổi thọ máy móc. Việc tích hợp ISO 22000 giúp công ty kiểm soát tốt quy trình an toàn thực phẩm, từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra thành phẩm. Nhờ đó, đơn vị đã giảm 20% thời gian dừng máy mỗi năm, nâng cao độ tin cậy của sản phẩm trên thị trường quốc tế và được vinh danh trong danh sách các công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam.
Vinamilk đã đầu tư mạnh vào các công nghệ sản xuất tự động
Toyota Việt Nam đã tiên phong áp dụng Lean và Kaizen và mọi nhân viên trong công ty đều tham gia vào quá trình cải tiến. Mô hình Lean giúp loại bỏ các lãng phí trong sản xuất (thời gian chờ, tồn kho, vận chuyển…), từ đó nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí. Từ đó, tạo năng suất tăng 15% sau mỗi chu kỳ cải tiến, chi phí sản xuất giảm đến 10% mỗi năm, tăng tính chủ động và gắn kết của người lao động.
Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh đã ứng dụng 5S và KPI, đơn vị đã chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên nền tảng 5S nhằm cải thiện môi trường làm việc, giảm lỗi sản phẩm và nâng cao tinh thần trách nhiệm. Hệ thống KPI được triển khai đến từng bộ phận giúp đo lường hiệu quả công việc, từ đó điều chỉnh chiến lược sản xuất linh hoạt. Doanh nghiệp đã giảm 30% sai sót trong khâu sản xuất, ttăng 18% hiệu suất lao động trong năm đầu triển khai KPI, văn hóa nội bộ chuyển biến tích cực, năng suất tổng thể cải thiện rõ rệt.
Các chuyên gia năng suất, chất lượng phân tích, khi áp dụng, vận hành từ hai hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng trở lên, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng một hệ thống quản lý tích hợp nhằm xây dựng một hệ thống đơn giản, vận hành hiệu quả và thỏa mãn các yêu cầu liên quan.
Trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, việc hiểu và áp dụng các công cụ cải tiến năng suất, chất lượng không còn là lợi thế mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp Việt Nam tồn tại và phát triển. Đây chính là "chìa khóa vàng" giúp doanh nghiệp nâng tầm quản trị, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế.