Cà Mau: Xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế

(CL&CS)-Nuôi tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện mang lại năng suất, lợi nhuận rất cao cho người nuôi và đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Mô hình nuôi tôm sinh thái được hình thành và phát triển ở tỉnh cực Nam tổ quốc từ trước năm 2000. Khi chất lượng tôm sinh thái của tỉnh Cà Mau được thị trường đánh giá cao, nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đã phối hợp với các đơn vị quản lý rừng đầu tư, xây dựng vùng nuôi tôm theo chứng nhận sinh thái, hữu cơ quốc tế, phổ biến nhất là hình thức nuôi tôm dưới tán rừng.

Hiện, Cà Mau có gần 40.000 ha nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, tập trung nhiều nhất ở huyện Ngọc Hiển với gần 23.000 ha. Trong đó có khoảng 20.000 ha diện tích tôm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Phạm Thanh Trung, nông dân nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng thuộc ấp Xưởng Tiện, xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: Thông qua mô hình nuôi tôm sinh thái, ý thức của người dân được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển, tạo được sự liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm và kết hợp nuôi các loài thuỷ sản khác để nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể đã được lan tỏa rộng khắp và tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Năng suất nuôi trồng thủy sản nuôi được nâng lên, các sản phẩm thủy sản khác mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần tăng thu nhập và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất của người dân. 

Sản phẩm tôm – rừng được chứng nhận theo các tiêu chuẩn quốc tế sẽ được các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thu mua với mức giá cao hơn khoảng 5-10% so với sản phẩm truyền thống khác

Ông Bùi Văn Sỉ, 65 tuổi ở xã Viên An Đông, gần 40 năm gắn bó dưới tán rừng ngập mặn, cho biết có gần 10 năm nuôi tôm thân thiện với môi trường. Vuông tôm gần 7 ha dưới tán rừng đước đang được doanh nghiệp hỗ trợ 500.000 đồng mỗi ha để đầu tư con giống và canh tác tôm sinh thái theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Tôm nguyên liệu sẽ được công ty bao tiêu.

Nhờ tiếp cận tiến bộ kỹ thuật, ông ươm tôm giống để nuôi trước khi thả ra tự nhiên. Dù mất nhiều công chăm sóc, nhưng đây là cách để tôm tăng tỷ lệ sống, mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình. Ông Sỉ có lợi nhuận gần 500 triệu đồng mỗi năm, cao hơn cách truyền thống khoảng 30%.

Ông Lương Huỳnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Viên An Đông chia sẻ: “Nuôi tôm dưới tán rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện mang lại năng suất, lợi nhuận rất cao cho người nuôi. Vì vậy, xã tăng cường quản lý chặt chẽ địa bàn kết hợp tuyên truyền cho người dân trong việc giữ vững môi trường trong lành vùng nuôi tôm sinh thái. Từ khi vùng nuôi tôm rừng được chứng nhận đạt các tiêu chuẩn quốc tế thì đời sống của người dân không ngừng được cải thiện”.

Theo ông Lê Đình Huynh, Tổng thư ký Liên minh tôm sạch và bền vững Việt Nam, nuôi tôm sinh thái là hình thức gần giống với nuôi tự nhiên, song phải đảm bảo từ khâu chọn giống, môi trường nuôi, chất lượng nguồn nước. Đồng thời, trong quá trình nuôi, nông dân phải tuân thủ các quy định khắt khe theo tiêu chuẩn về chất lượng được bên thứ ba có kinh nghiệm, uy tín chứng thực. Nhờ đó, sản lượng, chất lượng và giá bán của tôm sinh thái cao, ổn định hơn so với tôm nuôi tự nhiên.

Nuôi tôm dưới tán rừng ở xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau

Liên minh cùng các doanh nghiệp đang tạo điều kiện để bà con tiếp cận với các tiêu chuẩn tôm quốc tế, cũng như đáp ứng thị hiếu sản phẩm tôm bền vững ở trong nước. Từ đây, các bên tham gia vào chuỗi giá trị tôm sinh thái, từ sản xuất giống, nuôi trồng, thu mua đến chế biến, tiêu thụ.

Ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau chia sẻ: Hiện nay, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển thủy sản trên địa bàn chưa nhiều; các ngành nghề sản xuất thủy sản phát triển còn mang tính tự phát, nhỏ; kiến thức, trình độ, tay nghề của hầu hết người dân còn thấp. Các loại hình nuôi chủ yếu là nuôi sinh thái, nuôi quảng canh cải tiến, quảng canh truyền thống nên năng suất, sản lượng tăng chưa cao; xảy ra dịch bệnh trên tôm, cua kéo dài, diện tích dịch bệnh; tổ chức sản xuất của người dân còn nhỏ lẻ; công tác chuyển giao khoa học công nghệ, xây dựng mô hình đến người dân còn chậm; người dân thực hiện dự án chưa tuân thủ theo quy trình kỹ thuật…; ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản, trong sinh hoạt, trong cải tạo ao đầm của người dân còn hạn chế; dịch bệnh tôm nuôi càng diễn biến phức tạp. 

Xây dựng vùng nuôi tôm sinh thái theo tiêu chuẩn quốc tế

Ông Lâm cho rằng, để mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể thời gian tới đạt hiệu quả cao, Hội Nông dân cùng UBND các cấp và các ngành có liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các tầng lớp nhân dân nâng cao giá trị gia tăng cho con tôm sinh thái góp phần nâng cao đời sống của nông dân và đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Các ngành các cấp tăng cường tập huấn về tiêu chuẩn, quy trình nuôi tôm sinh thái gắn với phát triển kinh tế tập thể cho nhân dân vùng nuôi đáp ứng quy định chứng nhận tôm sinh thái. Để khắc phục trình trạng sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún thì cần tạo điều kiện cũng như hỗ trợ tích cực cho nông dân liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, cho biết, Cà Mau là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm với diện tích khoảng 280.000 ha, sản lượng tôm đạt trên 220.000 tấn/năm. Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh hàng năm đạt trên 1 tỷ USD.

Tiếp tục phát huy tốt thế mạnh này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển ngành hàng tôm; trong đó, tăng cường xây dựng các vùng nuôi đạt chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc tế; cải tiến quy trình nuôi tôm thâm canh, phát triển mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao, nuôi sinh thái để nâng cao giá trị tôm Cà Mau.

Việc phát triển mô hình nuôi tôm dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua cho thấy, đây là mô hình phát triển kinh tế bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ, phát triển rừng. Trước thách thức của biến đổi khí hậu, mô hình nuôi tôm - rừng là phương thức nuôi gắn với bảo vệ rừng và trồng rừng ngặp mặn, quan tâm đến tăng trưởng nguồn các bon xanh phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới.

TIN LIÊN QUAN